Làm cha mẹ là việc làm khó nhất. Cha mẹ không hiểu con đã nguy hiểm rồi, mà hiểu lầm con càng nguy hiểm hơn. Mỗi đứa trẻ là một tính cách khác biệt, không thể mang kinh nghiệm dạy đứa này đi điều chỉnh đứa khác. Làm cha mẹ hãy một lần thử đặt mình vào vị trí của con.
-> Mẹ đã dành trọn vẹn cho con 1-2 tiếng mỗi ngày hay chưa?
Mới gặp nhóm phụ huynh trong một bữa “Afternoon tea”, câu chuyện 6 tiếng đồng hồ chỉ xoay quanh con cái, bếp núc, sức khỏe, vợ chồng (đôi khi tôi thấy phục cái thanh quản của phụ nữ).
Câu chuyện nóng nhất là một chị đang phát điên lên vì đứa con gái 12 tuổi. Từ cách ăn mặc, thói quen sinh hoạt cho đến cách giao tiếp, nhóm bạn bè của nó…….. Tất tần tật mọi thứ con bé làm dường như chỉ với mục đích là chọc cho chị điên lên.
Chị bảo nó mặc đầm thì nó ngúng nguẩy không chịu, nó giấu hết mấy cái đầm hoa xòe đi. Con gái mà nó chỉ thích mặc màu đen, chỉ thích mặc sooc, chỉ thích mang giày thể thao hoặc boot, cực ghét màu hồng. Trong phòng nó, chị trang trí rèm cửa hồng xinh xắn và giấy dán tường hình hoa lá, hình công chúa thì nó lột hết đi, hoặc đè lên đó là hình các nam nữ ca sĩ, diễn viên Hàn, Nhật, Âu, Mỹ với tóc xanh tóc đỏ, môi tím, khuyên tai chẳng giống ai. Chị hoang mang, chị sợ con bé bị lệch lạc giới tính, sợ nó đua đòi hư hỏng.
Thị nghĩ tới mình, nghĩ tới Cún, hình như Cún nhà thị cũng đang như thế, nhưng thị lại cứ bình chân như vại. Chết thật! Hồi Cún còn tuổi mẫu giáo, Cún chỉ mặc váy xòe như công chúa, rất thích mặc đầm Elsa dài kéo lê cả mét, và tất cả đều phải là màu hồng! Thị cực ghét màu hồng, nhưng thị vẫn cứ kệ Cún mặc nguyên một “cây hồng” ra ngoài đường.

Lúc lớn lên chút nữa Cún tự nhiên không thích màu hồng nữa, Cún thích màu tím, tủ đồ lại tím rịm, dép giày và cả cặp cũng phải tím. Thị vẫn cảm thấy rất thích thú với việc nhìn thấy Cún rú lên sung sướng khi mua được cái mắt kiếng màu tím (!!). Đằng nào đó cũng là đồ của Cún chứ đâu phải của thị.
Bây giờ Cún lại rất thích màu đen, ghét các màu nổi, thích đi giày boot, thích giày thể thao, thích mặc quần sọoc và hoàn toàn không thích mặc áo dài truyền thống, trong khi áo dài là món thị thích nhất.
Tôi hỏi Cún vì sao thích mang boot, Cún bảo vì nó đẹp, tôi ừ, mẹ cũng thấy nhiều cô gái mang boot chân dài đẹp lắm! Tôi hỏi sao Cún thích mang giày thể thao mà ko phải giày búp bê? Cún bảo vì nó thoải mái, êm chân và chạy nhanh, nó cũng rất là style nữa. Ừ, êm chân thì hẳn rồi, mặc jean với giày thể thao thì cũng hợp nữa. Nhưng mẹ thấy thỉnh thoảng mang giày búp bê cũng rất đẹp.
Cún cũng thích mấy cô ca sĩ nhảy nhót loạn xạ, mấy anh chàng ca sĩ xăm trổ và đeo khuyên. Tôi không chê mấy ca sĩ đó, tôi bảo anh đấy nhìn đẹp trai đấy nhỉ, nhưng đeo khuyên vào hình như lại bớt đẹp đi. Cái cô ca sĩ này nè, mũi cao cũng xinh đấy nhỉ, nhưng style trang phục của cô ấy không hợp với mẹ (là KHÔNG HỢP chứ không phải XẤU!)
À còn đồ màu đen, từ năm ngoái Cún và các bạn đã rất thích và thậm chí còn có cả trào lưu mang áo khoác đen đi học trong thời tiết SG tháng 4! Hãi thật! Tôi hỏi mang áo khoác chi zạ? Cún kêu, vì con thích thôi. Tôi cũng mua cho Cún khá nhiều món đồ màu đen, nhưng giao hẹn trước là đi ra ngoài không được mặc nguyên “cây đen”, vì nếu thử đi tới nhà ai mà mặc nguyên cây như thế người ta oánh cho má hết nhận ra. Cún vui vẻ đồng ý.

Tóm lại, chúng ta phải chấp nhận rằng, cô gái/chàng trai bé bỏng chúng ta cưng nựng trên tay hôm nào, mua váy mua áo hồng công chúa hay siêu nhơn cho hôm nào ấy, đến một lúc nào đó sẽ không còn chịu để chúng ta ẵm bồng trên tay nữa. Ngay cả cái style thời trang hay cả gu âm nhạc, quan điểm sống, cách nói chuyện của chúng rồi cũng sẽ khác với chúng ta, chỉ là sớm hay muộn.
Cũng như ba mẹ chúng ta thích nghe cải lương, vọng cổ, còn chúng ta thì không. Cha mẹ chúng ta chỉ thấy áo the quần lụa là đẹp, còn chúng ta thích jean, thậm chí là jean rách, thậm chí là áo giấu quần. Vậy thôi, có gì mà phải cuống lên như thế!
Thị không lên án nhạc nhẽo của mấy đứa teen bây giờ, mặc dù với thị thứ nhạc ấy không thể nào tiêu hóa nổi. Nhưng không tiêu hóa nổi thì đừng cố nuốt, thế thôi. Thị vẫn nghe nhạc Trịnh, nghe Phú Quang và nhạc dân ca, trong khi Cún bảo con không nghe đâu, nghe mấy bài ấy buồn ngủ chết đi được. Thị bảo ừ, con không thích thì không cần phải nghe, vậy thôi.
Cún vẫn cứ nghe nhạc trẻ nước ngoài, lâu lâu lại update nhạc mới cho mẹ, kể cho mẹ nghe cô ca sĩ này có bài hit mới, cô ca sĩ kia vừa chia tay chú ca sĩ nọ. Nhưng thị cũng không buộc mình phải nghe tất cả nhạc của Cún, nếu bài nào không thích, thị vẫn bảo Cún mẹ không thích bài này, con có thể nghe nó một mình, bằng headphone. Cần gì phải phê phán nhạc này hay, nhạc kia dở, như thế này đẹp, thế kia xấu.
Nếu hai chục năm trước, một cô gái không chồng mà có con thì coi là chuyện tày đình, bây giờ việc có con là quyền của mọi người phụ nữ, có chồng hay không chồng xã hội chẳng mấy ai quan tâm nữa. Vì thế, chuyện mẹ thích màu hồng con ưa màu trắng, mẹ thích mặc đầm mà con thích jean thôi thì có gì là to tát. Chỉ vài sở thích thôi đâu thể nói lên điều gì về đứa trẻ.

Chúng ta hay bị bất đồng với con cái (và cả với cha mẹ chúng ta) là bởi vì văn hóa, nên tảng, thời thế đều khác nhau mà chúng ta lại cứ đứng trên quan điểm của mình để bắt người khác phải nghe theo, phải thích những thứ mình thích. Làm gì có chuyện đó!
Con cái chúng ta, nhất định sẽ có sở thích riêng của chúng (nhất là ở cái tuổi ẩm ương tiền dậy thì hoặc dậy thì). Chúng nhất định sẽ phải đi con đường của chúng, nếu chúng ta không muốn làm kẻ thù của chính con mình thì tốt nhất đừng cản đường chúng bằng cách chê bai. Hãy cứ để chúng “tự do trong khuôn khổ”, rồi chúng ta thi thoảng liếc chúng, kéo chúng xích về gần với quỹ đạo hơn để chúng đừng đi quá xa, chứ không phải cột chúng lại vào cái dây và dắt đi theo mình.
Làm cha làm mẹ là việc làm khó nhất. Lúc nào cũng nơm nớp, nhấp nhổm bởi có ti tỉ thứ hiểm nguy rình rập quanh con chúng ta. Từ chuyện cỏn con như ăn miếng cá bị hóc xương, đi học quên mang nón, cho tới việc to chà bá là ra đường gặp bọn biến thái, rồi chọn lớp chọn trường, kiếm vợ gả chồng…. tất cả đều là chuyện cấp bách khiến cho người làm cha mẹ như chúng ta đôi khi phát hoảng. Chính vì lo quá mà đôi khi chúng ta mất bình tĩnh, nhất là trong thời buổi rối ren này.
Báo đài đưa tin bây giờ đầy những kẻ biến thái, nên ra đường thấy kẻ nào nhìn con mình quá 5s thôi là đã muốn phi tới đấm cho phát rồi. Ra phố gặp toàn các cháu gái thì giống trai mà trai thì giống gái, thành ra cứ thấy con gái mình mà thích chơi đá banh là lo sốt vó. Thấy con nhà hàng xóm tóc xanh tóc đỏ, yêu đương rồi bị lừa lọc, về nhà thấy con mình bấm tin nhắn chíu chíu thôi máu đã sôi ùng ục, đến giật điện thoại quăng đi và ước gì có thể đưa con ra đảo hoang để con khỏi gặp phải người xấu.
Cha mẹ không hiểu con đã nguy hiểm rồi, mà hiểu lầm con càng nguy hiểm hơn. Cũng đôi khi, sự quan tâm lo lắng thái quá lại khiến trẻ cảm thấy bị phiền. Sự phản ứng thái quá cũng khiến trẻ bực bội và bất tuân, chống đối. Thỉnh thoảng chúng ta cũng phải mặc kệ bọn trẻ một chút. Để làm gì? Để cho chúng thở và để chúng ta cũng có thời gian mà thở nữa! Vì làm mẹ mệt lắm!
Mỗi đứa trẻ là một tính cách khác biệt, không thể mang kinh nghiệm dạy đứa này đi điều chỉnh đứa khác, nhưng nếu những người làm cha mẹ hãy một lần thử đặt mình vào vị trí của con, để hiểu rằng: con và ba mẹ có thể hoàn toàn khác nhau, con không nhất thiết cứ phải giống cha mẹ mới là tốt!
Medonthan!