Nếu khi trẻ lên 2 gặp phải những dấu hiệu như không biết bắt chước, quay đầu…, hãy cẩn trọng vì rất có thể con bạn mắc bệnh chậm nói.
-> Dạy con học đọc nhanh bằng phương pháp “vừa học vừa chơi”
Thông thường, trẻ từ 18 tháng – 2 tuổi đã biết khoảng 25 từ. Trong đó trẻ biết gọi tên người và đồ vật, dùng từ để chào tạm biệt, diễn tả hành động… thời điểm này trẻ cũng bắt đầu hình thành những câu ghép, không còn tự nhiên nói từ vô nghĩa.
Thế nhưng, vẫn có không ít trường hợp trẻ được gần 2 năm vẫn “im hơi lặn tiếng” khiến cha mẹ lo lắng.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển khả năng ngôn ngữ, đôi khi chỉ là do vòng họng của trẻ có vấn đề như lưỡi ngắn, hàm ếch… hoặc trục trặc khả năng nghe gây ảnh hưởng tới phát âm của trẻ.
Bên cạnh đó, việc ba mẹ thường để trẻ xem TV hay dùng điện thoại thông minh để bé ngồi yên, ăn ngoan để mình rảnh làm việc nhà cũng là một trong số những lý do phổ biến khiến trẻ lười giao tiếp dẫn tới chậm nói.
Đặc biệt, nguyên nhân gây chậm nói còn có thể đến từ các hội chứng như tự kỷ, tăng động kém chú ý… Những bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí não, nhận thức của trẻ sau này. Vì thế khi cha mẹ phát hiện con có những biểu hiện chậm nói dưới đây, hãy cho con đi khám ngay lập tức.
Dấu hiệu bất thường cho thấy trẻ chậm nói
Trong giai đoạn từ 12 đến 24 tháng tuổi, phụ huynh nên chú ý nếu trẻ có những dấu hiệu sau:
- Không sử dụng điệu bộ, cử chỉ, chẳng hạn chỉ hoặc vẫy tay khi được 12 tháng tuổi mà không biết nói bye bye hoặc câu gì tương tự.
- Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi.
- Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi.
- Có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản.
Trong giai đoạn 2-3 tuổi phụ huynh nên đưa bé đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu sau:
- Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ.
- Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu.
- Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản.
- Có giọng nói khác thường nghe như giọng mũi hoặc the thé hoặc bắt chước tiếng con vật trong phim.
- Khó khăn trong việc nghe – hiểu ở tuổi này: Nếu trẻ phát triển bình thường, ở tuổi này cha mẹ phải hiểu được khoảng một nửa số từ trẻ nói ra. Thậm chí khi con lên 3-4 tuổi người lạ cũng có thể hiểu được con nói gì.
Khi nào cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ?
Bé không quay lại khi nghe gọi tên: Não bộ của bé phản ứng không tốt, và đó cũng là biểu hiện đầu tiên của hệ thần kinh kém phát triển.
Bé không sợ người lạ: Không phải do bé dạn người hay quá hòa đồng, mà đó có thể là bé không phân biệt được người lạ hay quen.
Bé không bắt chước: Đó là biểu hiện cho thấy bé không có khả năng tập trung theo dõi hành động của người lớn và làm theo. Nếu không dạy thì bé không biết để ý học và sẽ không bao giờ biết.
Bé không biết chỉ bằng một ngón trỏ: Khi trẻ chỉ bằng một ngón là bé đã có khả năng tập trung để nhìn vào một hướng.
Hay ăn vạ, kêu khóc không nói thành lời: Các bé không có hoặc không biết sử dụng ngôn ngữ hay ăn vạ hơn bé bình thường vì chúng không biết làm sao để thể hiện ý muốn của mình.
Bé ra ngoài là cắm đầu chạy: Chạy nhiều hơn đi là biểu hiện của chứng tăng động, thiếu khả năng tập trung.
Ngoài ra còn có những biểu hiện như: Bé khó ăn, khó ngủ, không chịu nhai, hay thương xuyên mất tập trung cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng của chứng chậm nói ở trẻ.
Khắc phục trẻ chậm nói như thế nào?
Diễn tả thành lời những việc bạn làm
Điều này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Việc giải thích cho bé bạn đang làm gì sẽ giúp con mở rộng vốn từ và gắn kết các từ với đồ vật, sự vật trong cuộc sống.
Thường xuyên cho con ra khỏi nhà để con “học từ mới”
Hãy đưa con ra khỏi thế giới của phim, ảnh, quảng cáo và hạn chế để con chơi 1 mình trong nhà. Đừng nghĩ trẻ ngồi 1 chỗ là ngoan, quan điểm đấy của cha mẹ sẽ mang tới những sai lầm tai hại.
Cha mẹ nên dành thời gian đưa con đi chơi vào cuối tuần, cùng con khám phá thế giới bên ngoài, vừa đi vừa chỉ cho con sự vật, sự việc rồi trò chuyện cùng con… như vậy lâu dần con sẽ có thêm vốn từ và thoải mái hơn trong giao tiếp.
Cùng con đọc sách
Sách là liều thuốc thần kỳ. Khi ôm bé trong lòng, cầm trên tay cuốn truyện tranh, đọc cho con những vần thơ ngộ nghĩnh, bạn sẽ giúp bé làm quen với các từ mới, những vần điệu mới, để bé hiểu rõ hơn về cách mà mọi người nói. Hãy tạo thói quen đọc sách cho con hàng ngày, mỗi khi bạn rảnh rỗi.
Hát cho con nghe
Hát cho con nghe các bài hát thiếu nhi là cách rất tốt giúp bé ghi nhớ từ mới, dạy trẻ cách phát âm đúng các từ chỉ màu sắc, tên các con thú và nhiều khái niệm đơn giản khác.
Tuy nhiên, nếu đã thực hiện rất tốt những cách làm trên, mà bạn vẫn nhận thấy bé tiến bộ rất ít trong vòng vài tháng thì đây là lúc cha mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia để tìm kiếm nguyên nhân chậm nói của con và giải quyết sớm tình trạng này.
Nguồn: Sưu tầm