Niềm mơ ước có một cuộc sống gia đình êm ấm, một bờ vai để dựa dường như là một thứ “bản năng tình cảm” của hầu hết phụ nữ. Nhưng vì sao những “mẹ đơn thân” lại run rẩy, e ngại điều đó?
1. Sợ lại đi vào “vết xe đổ”
Khi kết hôn, phụ nữ luôn mơ về một tương lai hạnh phúc, hy vọng người chồng của mình cũng tuyệt vời như khi yêu, nhưng nhiều khi đổi lại chỉ là ảo tưởng. Khi đời sống lứa đôi không còn hạnh phúc, người ta thường tìm tới ly hôn như một giải pháp để thoát ra khỏi sự ràng buộc. Nỗi đau của những đổ vỡ trong quá khứ khiến cho người ta như con chim đã một lần trúng tên, hễ thấy cành cong là hoảng sợ, run rẩy.
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, hầu hết phụ nữ thường mặc cảm về hoàn cảnh của mình, nghi ngại về thực tại của đối tượng, ám ảnh với quá khứ, lo sợ cho tương lai và bắt đầu không tin vào chính quyết định của bản thân mình nữa. Vì thế, trong mối quan hệ mới, họ càng khó có thể mở lòng để đón nhận một tình cảm. Cuộc hôn nhân không trọn vẹn để lại cho họ một vết thương lòng sâu sắc, nó là nỗi ám ảnh đối với họ khi nghĩ đến việc phải đi thêm bước nữa.
Đôi khi nhìn về phía trước thấy đời mình còn cô đơn trong nhiều năm nữa, thì họ lại muốn được dựa vào một bờ vai, thèm được hồi hộp đọc khi chờ đợi tin nhắn, được chia sẻ với ai đó những vui buồn. Nhưng lại ước sẽ mãi mãi chỉ là “người tình”, vì họ không muốn mình lại trượt vào vết xe đổ một lần nữa.
2. Sợ ảnh hưởng đến con
Chuyện con chung, con riêng, chuyện bênh đứa này, hắt hủi đứa kia, sợ con mình tủi hổ, mặc cảm khiến phụ nữ lại một lần nữa “chùn bước” trước cuộc hôn nhân mới. Bản thân những đứa trẻ “con anh, con tôi và con chúng ta” cũng là lý do dẫn đến những va chạm bất hòa và đe doạ sự tồn tại của gia đình mới. Bọn trẻ không dễ dàng chấp nhận một người mới trong gia đình chúng, cũng rất khó khăn để có thể hòa nhập hoặc gọi một người chẳng chung huyết thống, cũng không sinh thành ra chúng là mẹ, là cha.
Mặt khác, khi phụ nữ tiến thêm bước nữa, thì họ không còn khả năng bảo vệ con mình tuyệt đối rồi. Chưa kể giữa “cha dượng – con đẻ” luôn có những vấn đề nhạy cảm, không thể không đề phòng.
Họ không muốn vướng vào hoàn cảnh phức tạp “rổ rá cáp lại” và thực sự không tin tưởng vào người đàn ông nào đó có thể yêu thương con họ như chính bản thân họ được. Vì vậy, người phụ nữ chỉ muốn một cuộc sống yên bình với con cái và chọn công việc làm niềm vui.
3. Mất niềm tin vào đàn ông
Hầu hết những người phụ nữ thường trải qua cú sốc tinh thần sau khi hôn nhân tan vỡ. Có lẽ quá khứ của cuộc hôn nhân cũ luôn ám ảnh tâm trí, làm phụ nữ luôn phòng thủ trước những mối quan hệ mới. Khi yêu phụ nữ đặt hết tất cả tình yêu và niềm tin vào người mình yêu, nhưng việc cho đi quá nhiều mà chẳng nhận lại được bao nhiêu khiến cho họ đau khổ vô cùng. Chính những tổn thương mà phụ nữ phải trải qua sau cuộc hôn nhân tan vỡ là lý do khiến họ mất hết niềm tin vào đàn ông.
4. Không có cảm hứng ân ái vợ chồng
Họ dần trở nên lãnh cảm trong quan hệ và luôn lạnh nhạt vì ham muốn thời tuổi trẻ nay còn đâu. Phụ nữ đã làm mẹ tâm lý suy nghĩ sẽ khác, họ biết bản thân đã lớn rồi, nhu cầu ấy không cần thiết đam mê như lúc đầu. Chỉ cần, đời sống vợ chồng thanh thanh đạm đạm bước qua là được. Cả hai không phải là tân hôn, cũng không phải lần đầu tiên của nhau nữa. Do đó, cứ sống bằng tình nghĩa, theo nhau tới già cũng ổn rồi. Tuy nhiên, đàn ông chưa chắc nghĩ vậy đâu. Tình dục và tình yêu của nam giới rất rõ ràng và mãnh liệt. Họ cũng ly hôn và sống một mình đấy thôi, hoặc giả là con trai bình thường, thì quan hệ chăn gối luôn được họ ưu tiên hàng đầu.
Những rào cản hiện thực và tư tưởng luôn là bức tường vô hình, khiến họ không dũng cảm yêu ai và cũng khó có người đàn ông nào dũng cảm yêu một người con gái, từng thuộc về người khác, sinh con đẻ cái cho người khác. Nếu người đàn ông ấy cũng có thương, có yêu, nhưng khó mà trân trọng như người phụ nữ chân chính thuộc về mình. Còn nhiều, nhiều lắm những uẩn khuất, không thể ngày một ngày hai nói hết được… Tôi xin hẹn lại vào một ngày khác, với câu chuyện rất khác, nhưng đâu đó có hình bóng quen thuộc.
Medonthan