Sống chung với một người lạ, bất kể là con ruột thịt, chồng hay con chồng cũng là cả một quá trình hiểu nhau mà sống, học nhau mà lớn. Nhưng không cần cố gắng hoàn hảo, có gì thì cho nấy, thiếu gì mình nói đó. Thành thật với nhau!
->>> “Con chỉ yêu mẹ”- có lời nào ngọt ngào nào bằng câu nói này đối với mẹ đơn thân.
Mình phải nói luôn, mình chả cao thượng khỉ gì đâu, cũng không khéo. Mình nếu có nhận gì đó thì chỉ có sự thành thật. Thành thật với chính mình.
Ngày đầu tiên gặp con bé 6 tuôi, mình bảo nó “tình cảm là thứ không tự nhiên mà có, cô cũng không có trách nhiệm gì với con cả, con đồng ý xem cô như mẹ, xem các em như em con thì cô cũng xem con như con và đối đãi công bằng. Nếu con không làm được cô cũng khó lòng mà làm người tốt được“. Nó vâng rồi im ắng quan sát. Vài ngày sau nó đề nghị được gọi mình là mẹ, mình hơi bất ngờ nhưng sẵn sàng đồng ý.
Mình thực chất cũng chẳng chuẩn bị gì cho việc làm mẹ kế cả, mình chỉ tâm niệm là cái đứa trẻ cần là công bằng và yêu thương. Vì vậy, mình đối đãi với con mình thế nào, con bé cũng vậy, bao gồm cả chuyện giận hờn, buồn vui.
Cái khó của mình là mẹ chồng mình và mẹ ruột nó sợ. Mẹ chồng mình sợ con bé thiệt thòi hay mình làm gì nó. Mẹ nó thì cộng thêm cả sự ghen ghét với mình nữa, sợ con bé thân thiết với mình. Vì vậy, bà nội và mẹ nó đã vẽ hình ảnh mình trong nó méo mó. Nó dè chừng mình, mình biết, mình hiểu nó dễ tổn thương hơn con mình vì nó cũng sợ, và vì tin người thân của nó nên nó càng sợ mình.
Có giai đoạn mình cố gắng chiều nó hơn con mình, gồng lên, rồi mình stress và tự so sánh con mình thiệt thòi. Mình kệ nó, không quan tâm tới nó nữa. Mình thả nó ra cho bớt giằng co giữa bà và mẹ nó, mình lờ đi mặc cho mọi người nói mình vô tâm, không quan tâm tới con chồng. Nhưng mình thấy đuối, quãng đó là quãng mình nhận ra tâm lý mình thực sự bất ổn và cần quay trở về chữa lành cho chính mình. Mình buông hết nhu cầu làm con dâu đảm, mẹ kế tốt, vợ giỏi đi.
Khi mình ổn là lúc con bé xuất hiện vấn đề, nó bắt đầu ẩm ương tuổi vị thành niên, bà nó không quản được, mẹ nó đánh nó cũng không sợ. Nó lì lợm hơn, đến lúc í thì bố nó đón nó về ở cùng với mình. Bây giờ, về với mẹ hay với bà chỉ là về chơi, nó đã coi nhà mình là nhà của nó. Sống với hai đứa em nó được quyền là chính nó, được giận dỗi hâm dở, được vui đùa, được ngồi ị thì lị một đống hay khóc nếu nó muốn.
Lần nào ra đường với nhau, người khác cũng ngạc nhiên sao con bé gọi mình là mẹ mà hai mẹ con như bạn vậy, nó bảo “đúng rồi! Bố mẹ thì nên là bạn với con cái mà!” Đêm ngủ với hai đứa em, đứa cùng cha khác mẹ, đứa khác cả mẹ lẫn cha nhưng chúng nó nằm nói chuyện như lạc rang trước giờ ngủ, thơm nhau, cầm tay nhau đi ngủ.
Nhưng đó là cả một hành trình để mình chấp nhận con bé, và con bé chấp nhận mình, rất dài, cả 7 năm trời thăng trầm, có cả nước mắt, cả buông, cả những lần mình ức phát khóc khi thấy nó nói chuyện với cô nó mà gọi mình là “con Th” dù trước mặt mình con bé vẫn gọi “mẹ” như không.
Có điều, khi không dụng tâm phân biệt, chỉ có tình yêu và sự cho phép mọi người được như là chính họ. Thì dù đứa trẻ là ai cũng có thể trở nên thân thiết được như bạn. Mà bạn là gì? Chơi mà không kiểm soát, cho mà không cầu nhận và mình không phải gồng lên, đánh mất mình.
Sống chung với một người lạ, bất kể là con ruột thịt, chồng hay con chồng cũng là cả một quá trình hiểu nhau mà sống, học nhau mà lớn. Mình coi bọn trẻ như người thầy dạy mình sự vô tư, còn mình chia sẻ với chúng nó điều chúng nó quan tâm. Nhưng không cần cố gắng hoàn hảo, có gì thì cho nấy, thiếu gì mình nói đó. Thành thật với nhau!
Chia sẻ cho các mẹ đang trong hoàn cảnh con anh, con tôi, con chúng ta nhân một ngày mình hào hứng muốn kể. Cũng không có mục đích gì, thích thì mình chia sẻ vậy thôi, ai cảm thấy có bài học thì học, thấy là chuyện phiếm thì cười chơi.
Vạn sự tùy duyên.
Nguồn: lẽ ghét yêu