Chúng ta vẫn thường nghe về tính cách cứng rắn và tinh thần kỷ luật thép của người Đức. Ẩn sau vẻ ngoài đó còn là những công dân mang đầy giá trị tích cực. Điều đã tạo nên một nước Đức kiêu hãnh với sự phát triển kinh tế và con người. Điều này xuất phát từ chính phương pháp dạy con của người Đức. Nghệ thuật dạy con đã nuôi dưỡng và phát triển những mầm non của đất nước.
Nếu như các bậc phụ huynh Việt chăm chút con từng muỗng cơm thì người Đức làm ngược lại. Bí quyết nào trong phương pháp dạy con của người Đức đã tạo nên điều kì diệu lên bao thế hệ? Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Những nguyên tắc trong Phương pháp dạy con của người Đức
Cha mẹ cần hiểu rằng mọi đứa trẻ đều hoàn hảo theo cách riêng của chúng
Người Đức văn minh quan niệm mỗi đứa trẻ đều hoàn hảo, tốt đẹp theo một cách rất riêng. Nên không có chuyện đứa trẻ này là tốt hơn, giỏi hơn hay hoàn hảo hơn đứa trẻ khác.
Do đó dù cho con trẻ có chậm phát triển hơn bạn bè đồng trang lứa về một mặt nào đó. Thì cũng sẽ không bao giờ có chuyện cha mẹ đem con so sánh với một đứa trẻ nào khác. Điều này chỉ khiến cho trẻ nhụt trí, tự ti về bản thân.
Họ dạy cho con trẻ biết rằng, mỗi người sinh ra là một bản thể khác biệt. Mỗi người luôn đặc biệt theo cách riêng, không thể đem so sánh với nhau được. Và họ cho con trẻ cảm nhận được rằng dù con thông mình hay chậm chạp, thành công hay thất bạị,… Thì chúng vẫn là những đứa bé đặc biệt trong mắt cha mẹ và luôn được cha mẹ yêu thương.
Từ những tình cảm đó, con trẻ sẽ cảm thấy mình đặc biệt. Được khơi gợi sự tự tin và nhiệt huyết trong cuộc sống, chứ không e dè sợ hãi mọi thứ xung quanh.
Và khi nhìn lại một số nước châu Á, đặc biệt là ngay chính Việt Nam ta. Ngay từ lúc còn nhỏ, con trẻ đã bị đem so sánh với đứa bé này đứa bé kia về cân nặng, ngoan ngoãn. Hay lớn hơn, con trẻ luôn bị cha mẹ tạo áp lực vì so sánh điểm số. Hay thậm chí có những bậc phụ huynh còn không ngớt chê bai trẻ kém cỏi. Vì nghĩ rằng vậy sẽ tạo cho trẻ động lực vươn lên. Nhưng không biết rằng làm vậy chỉ làm cho trẻ tự ti, tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc.
Phương pháp dạy con biết nghe lời
Hãy dạy con tự lập từ những việc nhỏ nhất
Trong phương pháp dạy con của người Đức, tự lập là một đức tính vô cùng quan trọng. Tự lập cần được rèn luyện từ khi trẻ còn nhỏ. Trong khi nhiều mẹ Việt thường rất ngại để con nhỏ đụng tay vào phụ giúp mình việc nhà. Họ sợ rằng trẻ đụng tay vào chỉ làm hỏng việc, bừa bộn thêm mất công mình dọn dẹp lại. Hay sợ trẻ có thể bị thương khi tham gia vào việc bếp núc. Thì các bà mẹ Đức lại không bao giờ từ chối cơ hội để dạy cho bé tính tự lập cả.
Dạy con tự lập – hành trang tương lai
Ví dụ khi các bà mẹ Đức chuẩn bị bữa ăn, trẻ sẽ được đứng gần quan sát nếu thích thú. Sau một vài lần trẻ sẽ được các bà mẹ tỏ ra cần giúp đỡ và hướng dẫn thực hiện một vài việc đơn giản. Điều này tạo cho trẻ cảm giác hứng thú được tự tay làm. Mặc dù họ biết rằng nếu bản thân tự làm sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều. Nhưng họ biết được một điều quan trọng, con trẻ sẽ không làm được điều gì nếu cha mẹ luôn làm tất cả thay cho chúng.
Những việc nho nhỏ trong gia đình cũng luôn được các ông bố bà mẹ giao cho trẻ làm. Ví dụ như trẻ cần tự biết lấy bộ đồ của mình trong tủ quần áo để chuẩn bị tắm, tự biết thay đồ… Tất nhiên tất cả đều cần được cha mẹ hướng dẫn ở những lần đầu. Có thể sẽ hơi mất thời gian lúc đó, nhưng trẻ học rất nhanh và nhớ được lâu. Và đó cũng chính là nền móng cho tính tự lập về sau của trẻ.
Trẻ cần được dạy nếp sống tuân thủ kỷ luật từ nhỏ
Nếp sống tuân thủ Kỷ Luật được phụ huynh Đức rèn giũa cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Dạy bằng những thói quen, nguyên tắc sinh hoạt trong đời sống hằng ngày.
Ví dụ: Một người mẹ Đức sẵn sàng mua kẹo cho cô con gái đang độ tuổi mẫu giáo. Nhưng cô bé sẽ không được phép ăn cho tới giờ ăn vặt dù có phải đợi nhiều tiếng đồng hồ.
Hay nhất quyết trẻ không được phép ăn vặt trước giờ ăn chính một vài tiếng đồng hồ. Dù cho trẻ có la khóc xin xỏ thì cũng cương quyết nói không được phép.
Hoặc, khi trẻ tìm cách xen vào câu chuyện của cha mẹ, cha mẹ sẽ nói “chờ 2 phút con nhé, cha mẹ đang nói chuyện chưa xong.” Cách nói của cha/mẹ vừa tế nhị, vừa cứng rắn sẽ giúp trẻ hiểu rằng: Chúng phải đợi tới lượt mình để có thể đạt được điều gì đó, không thể có chuyện bản thân luôn được ưu tiên.
Walter Mischel – Giáo sư ngành tâm lý học, Đại học Columbia, Mỹ – Chuyên gia hàng đầu thế giới về phương pháp dạy trẻ biết kỷ luật và trì hoãn hưởng thụ – đã chứng minh rằng: Những trẻ sống kỷ luật, kiên nhẫn và trì hoãn hưởng thụ khi lớn sẽ trở thành người có khả năng tập trung, suy luận tốt hơn. Đặc biệt không bị suy sụp khi gặp phải áp lực. Đó sẽ là tiền đề cho sự thành công vững bước của trẻ sau này.
Con cái chính là tấm gương phản chiếu lại hình ảnh của cha mẹ
Trong phương pháp dạy con của người Đức, cha mẹ chính là nhân tố quan trọng nhất. Hình ảnh của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thói quen, lối sống, tính cách của trẻ. Cho nên có thể nói rằng, trẻ đang phản chiếu lại một cách chính xác hình ảnh của cha mẹ chúng.
Ví dụ khi muốn dạy cho trẻ phép lịch sự, lễ phép, cha mẹ cần làm gương trước tiên. Khi muốn nhờ trẻ hay ai đó làm việc gì, cha mẹ cần nói “làm ơn” trước tiên, và sau đó là lời cảm ơn. Trẻ sẽ quan sát và học theo những cử chỉ thái độ nhỏ nhặt của cha mẹ chúng.
Để trẻ học được việc giữ chữ tín, cha mẹ Đức luôn biết giữ lời hứa. Hoặc nếu có tình huống không thể khác đi thì phải chịu trách nhiệm về việc mình nuốt lời. Khi cha mẹ hứa đưa trẻ đi công viên vào cuối tuần, thì nhất định phải cố gắng sắp xếp thời gian đưa trẻ đi. Nếu lỡ có công việc đột xuất không thể trì hoãn thì phải thành thật xin lỗi trẻ. Sau đó đưa ra một lịch hẹn mới với con, và đừng để phải lỡ hẹn một lần nữa. Nếu không làm vậy, trẻ sẽ dần cảm thấy những lời hứa thật vô nghĩa và rất dễ dàng để rũ bỏ trách nhiệm với điều mình nói ra.
Đó chính là nguyên tắc phản chiếu trong phương pháp dạy con của người Đức. Bạn không thể bắt trẻ phải mẫu mực trong khi bản thân lại bê bối được. Vì những gì trẻ học được chính là từ tấm gương như bạn.
Nghệ thuật khen – chê
Khen hay chê cũng là một vấn đề được các ông bố bà mẹ Đức để tâm tới đối với con.
Mẹ Đức cũng không bao giờ khen “Con mẹ tuyệt nhất”, “Con mẹ là số 1”… Khi muốn tán dương thành tích mà trẻ đã làm được, mẹ Đức khen rất cụ thể – đề cập tới những thành tích của bé, ưu điểm tính cách của bé hay tinh thần hợp tác của bé…
Ví dụ: Khi bé hoàn thành việc dọn gọn đồ chơi mà mẹ đã giao, để khích lệ tinh thần bé thì mẹ Đức sẽ khen “Con dọn gọn đồ chơi, mẹ rất vui”. Hay khi con chủ động chia sẻ đồ chơi, bánh kẹo với bạn bè, mẹ Đức sẽ khen con “Mẹ rất vui vì con đã biết chia sẻ với mọi người, chắc hẳn bạn sẽ rất yêu quý con!”.
Các ông bố bà mẹ đức sẽ không tiếc lời khen cho đứa con của mình. Dù là một sự tiến bộ rất nhỏ trong thói quen, tính cách hay học tập cũng sẽ được họ khen. Nhưng khen một cách tế nhị, không khoa trương, mà mang tính động viên khích lệ.
Dù vậy, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ Đức cũng không ngần ngại chỉ ra lỗi sai cho bé. Và tất nhiên, bé sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình. Điều này để trẻ nhớ rằng đó là một sai lầm cần sửa đổi.
Như vậy ta thấy được phương pháp dạy con của người Đức thực sự là một nghệ thuật. Khác rất nhiều so với phương pháp dạy dỗ truyền thống của người Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta không học tập những tinh hoa trong việc tạo nên những thế hệ tuyệt vời cho chính mình?
Các bậc cha mẹ thấy sao về phương pháp dạy con của người Đức? Hãy theo dõi nhiều bài viết hơn tại singlemum.vn để có thêm những thông tin hữu ích trong cách nuôi dạy con.
Thân ái!