Nhiều bậc phụ huynh quan niệm nếu trẻ con cãi lại người lớn là hư, cần phải uốn nắn sớm. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tranh cãi của trẻ cũng là điều xấu. Tùy vào thái độ và ngôn từ của trẻ khi tranh cãi mà người lớn có phương pháp dạy dỗ phụ hợp
- Mẹ đơn thân Việt dùng kỷ luật thép trị con ngang bướng
- 6 bí mật giành cho mẹ đơn thân dạy con tự tin
- Mách nhỏ bố mẹ cách trị thói ương bướng của trẻ lên 3
PGS Nguyễn Minh Đức cho rằng cãi là biểu hiện của tư duy phản biện. Trẻ không biết cãi sau này có thể không vượt qua được những biến cố.
Chia sẻ trong hội thảo “Cho con quyền được cãi – Hình thành tư duy phản biện” do trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway tổ chức tại Hà Nội ngày 7/7, PGS Nguyễn Minh Đức – nguyên trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, TS Tâm lý học lâm sàng ĐH Paris, Pháp nhận được nhiều câu hỏi thú vị từ phía phụ huynh.
Ông Đức cho hay cãi thường được coi là biểu hiện của tư duy phản biện, là kỹ năng hàng đầu trong 7 kỹ năng mềm mà mọi đứa trẻ nên học để có thể thành công trong môi trường làm việc tương lai.
Tuy nhiên, cãi thế nào để thực sự phản biện một cách văn minh, lịch sự, tôn trọng người khác và để mọi người “tâm phục, khẩu phục” thì học sinh cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và được rèn luyện hàng ngày qua môi trường sống và học tập.
Bản thân mỗi đứa trẻ là những nhà nghiên cứu, luôn muốn tìm tòi, khám phá để tạo ra cái mới. Nhưng với cách giáo dục và ứng xử hàng ngày , người lớn chúng ta lại vô tình thui chột phẩm chất, kỹ năng này của trẻ.
“Một em bé 4 tuổi thường đặt ra hàng trăm câu hỏi mỗi ngày, trong đó có rất nhiều câu hỏi khám phá. Nhưng đến 10 tuổi, dưới áp lực của gia đình và nhà trường, các em lại lo đi tìm những câu trả lời đúng theo ý thầy cô, bố mẹ mà không được tiếp tục đặt ra những câu hỏi hay để suy nghĩ và giải quyết”, PGS Đức nói.
Từ tư duy phản biện của con, cha mẹ hãy luôn đồng hành, giúp con có những lý lẽ logic, bao gồm cả minh chứng, để thuyết phục người khác.
Tại hội thảo, nhiều phụ huynh nói trong thực tế nuôi dạy con, họ gặp những huống khó xử. Chị Lê Thị Tuyết Mai băn khoăn đặt câu hỏi: “Làm thế nào để trẻ nói ra được suy nghĩ thật của mình, cha mẹ cần kiểm soát sự tức giận khi con cãi bướng ra sao?”.
PGS Đức cho hay trẻ cần có môi trường an toàn để nói ra sự thật. Nếu cha mẹ chỉ kể chuyện về những con người hoàn hảo, trẻ sẽ thấy lời nói của mình chắc chắn bị chê cười, xúc phạm, mất tự tin.
Khi con cãi bướng, cha mẹ cần xem mức độ của lời nói như thế nào, có xúc phạm người khác hay không, từ đó có thể sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực. Cha mẹ hãy biết “xả rác tâm hồn” để khi trở về nhà không có những căng thẳng, bực bội trút giận lên, khiến con ảnh hưởng “hung tính”.
PGS Minh Đức cũng chia sẻ những đứa trẻ ít lời, không biết cãi thường ấp ủ những suy nghĩ phức tạp, sau này khi bước ra cuộc sống có thể gặp những biến cố không vượt qua được, dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, người lớn phải tìm hiểu lý do tại sao trẻ không nói để biết cách gợi mở, truyền cảm hứng, giúp các bé trở thành con người độc lập.
Với những đứa trẻ thường có suy nghĩ tiêu cực, hay nói xấu người khác, cha mẹ hãy cởi mở, không phán xét con, để chúng nói ra được điều mình nghĩ, sau đó gợi ý cho con cách để mọi người cùng yêu quý mình. Trường hợp cần thiết có thể nhờ nhà tâm lý để các con có môi trường an toàn, thoải mái chia sẻ.
Chuyên gia cho hay cha mẹ Việt thường có tâm lý người lớn luôn đúng. Có những trường hợp bản thân cha mẹ từng bị “vết thương tâm lý” nên để lại dấu vết đau khổ, áp đặt suy nghĩ lên con. Cha mẹ phải hóa giải cảm xúc đó. Một đứa trẻ luôn sống trong tình yêu và hòa bình thì không có khả năng trở thành người hỗn láo.
Nguồn: Sưu tầm