Chắc là không ít mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi và bực bội khi mỗi sáng cứ phải giục giã, la hét, thậm chí là cáu um lên vẫn không đánh thức được các bạn nhỏ thức dậy đúng giờ.
1. Ngủ sớm:
Muốn bé dậy sớm, dậy đúng giờ thì bé phải ngủ đủ giấc, ngủ sớm, đó là nguyên tắc đầu tiên.
Giấc ngủ rất quan trọng cho bé, việc ngủ đủ giấc không chỉ quyết định sự tỉnh táo của bé mà còn quyết định đến bữa ăn của bé ngày hôm sau. Thiếu ngủ dẫn đến uể oải, ăn không ngon, mất tập trung, hay cáu bẳn.
Hãy đặt đồng hồ để báo đến giờ đi ngủ để đảm bảo bé không quên giờ ngủ vì mải chơi. Tắt hết điện, điện thoại, tivi và tạo một không gian yên tĩnh để bé tập ngủ nhanh nhất sau khi lên giường. Có thể đọc 1 câu truyện hoặc nói chuyện cùng nhau, nhưng đừng kéo dài quá.
** Mách nhỏ với các mẹ, trước giờ đi ngủ là lúc rất thích hợp để mẹ con tâm sự những chuyện cả ngày còn khúc mắc hoặc rủ rỉ khuyên nhủ những điều mà ban ngày chưa nói hết. Bạn Cún nhà mình cũng rất thích những phút trước khi đi ngủ, bạn ấy hay đòi mẹ kể chuyện ngày con còn bé, kể chuyện ngày mẹ còn bé cho mình nghe. Lúc này mẹ khuyên điều gì bạn ấy thường rất nghiêm túc lắng nghe.
2. Đồng hồ sinh học:
Hãy tạo cho bé đồng hồ sinh học bằng cách cho bé đi ngủ và thức dậy vào một giờ cô định. Sau khi thành thói quen thì không cần đồng hồ bé cũng có thể thức dậy đúng giờ.
Bạn Cún nhà mình đúng 21h là phải lên giường, ngủ hay không ngủ cũng tắt điện hết. Những đêm trước ngày đi học (từ đêm chủ nhật đến đêm thứ 5) mình sẽ cố gắng không tổ chức hay tham gia một cuộc vui chơi nào để ảnh hưởng đến giờ đi ngủ, trừ khi bất đắc dĩ.
Cho dù có những đêm lên giường rồi bạn ấy cũng lăn qua lăn lại hoài không ngủ nhưng mình vẫn yêu cầu phải tắt hết điện và yên lặng với lý do: không ngủ cũng được nhưng phải nằm im lặng cho người khác ngủ.
Buổi sáng mình cũng sẽ gọi bạn ấy dậy vào một giờ nhất định. Thỉnh thoảng vào sáng chủ nhật mình để bạn ấy ngủ thêm cho thoải mái.
3. Âm thanh buổi sáng: Tuyệt chiêu của mình là tạo ra những âm thanh huyên náo vào buổi sáng.
Bạn Cún nhà mình thuộc dạng ngủ say, đồng hồ có kêu 8 lần cũng không xi nhê, nếu chuông quá to thì bạn ấy còn tắt đi ngủ tiếp, nhưng cách mở nhạc buổi sáng đã “trị” được bạn ấy.
Buổi tối khi Cún ngủ mình cố gắng tạo một không gian yên tĩnh để bé được ngủ sâu và ngủ ngon. Nếu phải làm việc khuya mình sẽ tránh ra một chỗ khác, những thành viên khác trong nhà muốn coi tivi sau 21h đều phải vặn nhỏ tiếng và coi trong phòng riêng.
Buổi sáng khi thức dậy, việc đầu tiên mình làm là bật nhạc, những bài nhạc vui nhộn trong điện thoại hoặc máy tính được bật lên với công suất lớn dần. Ngoài ra mình còn ca hát và làm mọi thứ “rộn ràng” hơn bình thường. Lúc này dù muốn hay không bé cũng không thể ngủ được nữa bởi âm thanh mà bạn gây ra.
** Lưu ý đừng làm những âm thanh lớn đột ngột khiến bé giật mình hoặc không để điện thoại, nhạc quá gần tai bé. Cũng đừng mở nhạc dân ca hay nhạc sàn, một vài bản nhạc trẻ vui nhộn là vừa đủ.
Em gái mình thì thay vì mở nhạc thì mở tivi, sáng ra là nó mở tivi hết công suất, cộng với việc cọ rửa nồi niêu chén dĩa loảng xoảng, đố đứa nhóc nào ngủ tiếp được!
4. Đừng cố càm ràm, đừng quá lo lắng
hồi đầu mình cũng cứ cuống cuồng lên vào buổi sáng, không ít lần cáu um lên khi Cún lề mề và dậy muộn. Ngày nào mẹ cũng quát tháo, con cũng mếu máo, hôm sau lại cũng vẫn y chang như vậy. Cả một ngày dài mình sẽ áy náy vì mới sáng ra mà đã cáu với con, cả một ngày dài mang tâm trạng không tốt, và con mình chắc cũng chẳng vui vẻ gì khi bắt đầu một ngày như thế. Sau này mình thay đổi cách giải quyết.
Nếu như con bé lề mề mình cũng sẽ không giục giã, càng giục Cún càng lề mề, càng cuống và lại càng quên. Mình chỉ chuẩn bị đồ cá nhân của mình, sau đó ra cửa ngồi và bảo: “Mẹ đã xong rồi, khi nào con xong thì mình đi”.
Con bé sẽ vẫn cứ lề mề, mình vẫn cứ đợi, và thông báo thời gian còn lại (một cách nhẹ nhàng). Thậm chí có lúc mình còn nhắc: “Còn 10 phút nữa là mẹ phải đi làm, nhưng mẹ báo với con vậy thôi chứ không hối con đâu nhé”. Đến khi không đợi được nữa mình sẽ bảo: – đến giờ mẹ phải đi làm rồi, nếu con chưa xong thì cứ ở nhà chuẩn bị nhé.
Và thế là mình đi. Cho dù hôm ấy bạn ấy phải nghỉ học. Có hôm rảnh rỗi thì mình cứ ngồi đó, cứ im lặng và đợi, đến khi nào con đứng trước mặt mình và nói con đã sẵn sàng đi học thì mình vui vẻ đi. Cho dù hôm ấy bạn Cún muộn học mình cũng không càm ràm hay la mắng. Có hôm vội vội vàng vàng, Cún quên vở, quên dụng cụ học tập, và bị thầy cô phê bình nhưng mình cũng không la, không càm ràm, vì việc đó đã có thầy cô phạt nên mình đâu cần quan tâm.
Trước đây mình hay càm ràm, nhắc nhở con liên tục vì mình quá lo lắng, lo con bị trễ học, lo không kịp thời gian, lo con quên đồ,… nói chung là những nỗi lo không cần thiết.
Bởi mình quá lo và đã lo hết phần con nên con mình nó chẳng cần phải lo lắng gì nữa, nó cứ ỳ ra cho mình phải hò hét. Mình tự hỏi sao mình phải căng thẳng vì một vấn đề không phải của mình? Việc thức dậy sớm hay trễ là việc của con mà!
5. Để bé học tính trách nhiệm
Như đã nói, lúc đầu mình cũng tức điên lên vì bạn Cún cứ ngủ lười và lề mề, cũng cứ gào thét và càu nhàu, nhưng mình nhận ra cứ bắt đầu một ngày mới bằng cách đó không phải là một điều hay. Bạn ấy chẳng thèm quan tâm câu la hét “nhanh lên mẹ trễ làm rồi” hoặc “sắp tới giờ vào lớp rồi”, có khi lúc lên xe mình còn cố gắng phóng cho nhanh để bạn ấy khỏi vào lớp trễ. Rốt cuộc chỉ mình mình lo lắng hết chứ Cún không quan tâm, Cún không quan tâm vì mình đã lo hết rồi mà.
Mình nói chuyện với bạn Cún rằng bình thường 6h30 là mẹ phải ra khỏi nhà, nếu đi làm trễ thì con và mẹ sẽ không có đồ ăn, không những thế còn ảnh hưởng tới tác phong làm việc xưa nay của mẹ, mất uy tín là không hay, nên mẹ dứt khoát sẽ đi làm đúng giờ.
Mẹ thường chuẩn bị hết 30 phút nên mẹ dậy lúc 6h. Đây là việc bắt buộc. 7h con vào lớp, vậy 6h30 con cũng NÊN ra khỏi nhà, con NÊN tính xem thời gian con chuẩn bị là bao lâu? Hôm qua con chuẩn bị hết 45 phút, vì con còn ngồi trong nhà tắm chơi với con cá nhựa.
Mình quy định cứ sáng hôm trước chuẩn bị hết bao nhiêu thời gian thì sáng hôm sau phải dậy bằng đúng thời gian đó. Nếu nhanh chân chuẩn bị trong 15 phút thì đồng nghĩa với việc chuông đồng hồ ngày mai sẽ đánh thức con lúc 6h15. Mình cũng giao hẹn luôn, nếu 6h30 con chưa chuẩn bị xong thì hoặc là mẹ sẽ đi trước, hôm nào mẹ rảnh thì sẽ chờ con, nhưng con đi học trễ do con dậy trễ thì con phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu bị thầy cô phạt.
Trước đó mình có gặp cô giáo, nhờ cô nhắc nhở và có thể phạt nếu bạn Cún đi học trễ, và báo với cô nếu hôm nào bạn ấy đi học trễ mà nguyên nhân do mẹ thì mẹ sẽ báo với cô, nếu mẹ không xin xỏ tức là tùy cô xử lý.
Về phần bạn Cún, đã quy định vậy rồi nên sáng ra mình cứ ngồi bấm điện thoại và chờ bạn ấy, không hề nhắc hay hối thúc gì cả, mặc cho bạn ấy cà kê đến tận 7h mới ra khỏi nhà. Mình bảo đã 7h rồi đấy con, và hôm nay con sẽ đi học trễ. Bạn ấy kêu mẹ chạy nhanh lên, mình bảo không được, mẹ vẫn phải chạy đúng tốc độ, thứ nhất là để tuân thủ luật giao thông, thứ 2 là để an toàn cho cả mẹ và con, chạy nhanh có thể không trễ học nhưng hai mẹ con mình té ra đó, rồi lỡ gãy chân gãy tay, hoặc xấu nhất là chết, cái nào quan trọng hơn?
Thế là hôm ấy bạn Cún đi trễ, đương nhiên là bị phạt, bị trừ điểm gì gì đó, tuột mất cái danh hiệu “star of the month” và bạn ấy rất biết rút kinh nghiệm.
Mình nhận ra là mẹ càng lo lắng thì con càng dửng dưng, mẹ càng hối thúc thì con lại càng lề mề, mình phải tìm ra động lực nào khiến bạn ấy cố gắng, khiến bạn ấy phải tự có trách nhiệm với việc mình làm thay vì cứ khản cổ hò hét.
6. Thả lỏng
Điều cuối cùng mình muốn nói với các mẹ là hãy thả lỏng ra, đừng quá phiền não chỉ vì một đứa trẻ mê ngủ chút xíu.
Ngày xưa mình nhỏ cũng từng đi học trễ, cũng từng có hôm giả ốm để không phải đi học, từng ước trời có mưa đá hoặc lũ lụt ngập hết cả xóm để khỏi phải đến trường…. Hehehe.
Cho nên nếu con bạn vì ham ngủ mà trễ 1 buổi học thì cũng đừng quá quan trọng hóa mà la mắng con. Thỉnh thoảng cũng nên lơ là lỗi lầm của con chút xíu, để con có quyền “được sai” một vài lần.
Hãy làm MẸ chứ đừng làm cảnh sát hay quan tòa!
Anna Mỹ Hạnh