Định kiến xã hội có lẽ là thử thách khó khăn, nặng nề nhất mà mẹ đơn thân phải đối mặt. Ở ta , giấy đăng kí kết hôn được coi như một tấm bằng “tiết hạnh khả phong”, ai không có mặc nhiên là đồ hư hỏng. Bởi vậy, mẹ đơn thân luôn phải chịu đựng những ánh nhìn kỳ thị, thiếu thiện cảm, những lời xì xào dè bỉu.
Mẹ đơn thân, nhất là những phụ nữ xinh đẹp và thông minh bỗng dưng trở thành mối đe dọa hạnh phúc đối với những người phụ nữ đang có gia đình, bởi hiệu ứng tâm lý phòng vệ của đám đông khác giới khiến cho họ kết với nhau thành một phòng tuyến.
Ngay cả những người đàn ông không biết họ là ai cũng sẵn sàng đánh giá: “Chẳng qua là ích kỷ, sống chơi bời nên họ mới dám từ bỏ gia đình, họ đơn thân vì họ muốn tự do sống kiểu của họ thôi”. Thật khó vượt qua những định kiến xã hội nặng nề, bởi vậy mặc cảm là đương nhiên.
Mặc dù không hề có lỗi, mẹ đơn thân bắt buộc phải chịu đựng cảm giác bị kỳ thị. Họ dường như khó có thể ngẩng đầu trước ánh nhìn soi mói, dò xét, đánh giá của đám đông. Cảm giác đó thật khó chịu, cứ như thể một kẻ khác loài.
Điều đó khiến mẹ đơn thân có xu hướng trầm uất, mong manh, nhạy cảm quá đỗi, sống co mình lại, hạn chế hết sức sự giao tiếp, để tránh bị tổn thương. Nỗi mặc cảm, khổ tâm đeo đẳng họ rất dai dẳng, nhiều khi suốt cả phần đời còn lại.
Rất nhiều lần trong đời, mẹ đơn thân phải đối mặt với sự cám dỗ. Một thân một mình, thân cò lận đận, không ai bao bọc chở che, họ thường gặp những lời ong bướm lả lơi, thậm chí là thái độ sàm sỡ. Cảm giác bị xúc phạm, bị tổn thương khiến mẹ đơn thân có đủ sự kiêu hãnh để không rơi vào bất kỳ sự rủ rê nào.
Nhưng phải cảnh giác với những cám dỗ từ tình cảm, một sự quyến rũ đội lốt tình cảm rất dễ đánh gục mẹ đơn thân vốn đang lẻ loi đơn độc và thiếu thốn tình yêu thương. Và khi đã vướng vào những mối liên hệ không vững bền ấy, tổn thương, sụp đổ còn nặng nề hơn khi vừa đổ vỡ cuộc sống gia đình.

Thử thách nuôi dạy con cũng không kém phần khó khăn. Mẹ đơn thân một mình nuôi dạy con, vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ. Nuôi dạy con cho nên người không phải là chuyện dễ.
Vì mặc cảm tội lỗi với con, khiến con phải thiệt thòi, nên mẹ đơn thân có xu hướng thương con hơn mức bình thường, bởi họ hiểu rằng, chỉ có thể bù đắp cho con thật nhiều bằng lòng yêu thương mới có thể phần nào làm vơi đi những hụt hẫng, thiếu thốn mà đứa trẻ phải trải qua. Bởi vậy, mẹ đơn thân luôn kiên cường vượt lên để mình và con mình không thua kém người khác, và có một chút ngầm tự khẳng định bản thân với mọi người, với gia đình chồng cũ. Để nuôi dạy được con thành một con người hiểu biết, vững vàng, chững chạc, tự chủ và bản lĩnh, sống có trách nhiệm, mẹ đơn thân phải cố gắng gấp đôi người bình thường.
Không thể đếm hết những lúc chạy ngược chạy xuôi vừa lo công việc, vừa lo đón con, những đêm một mình thức trắng để trông con bệnh, nước mắt đầm đìa vì tủi thân. Không thể kể hết nỗi vất vả để lo cho con được đầy đủ, sung túc như con nhà người khác. Không thể miêu tả nỗi đau thắt lòng khi trông thấy con lủi thủi, đơn độc, không được sum vầy ríu rít như trẻ nhà người ta.
Nhưng trước mắt mọi người, mẹ đơn thân luôn ngẩng cao đầu. Nước mắt chảy ngược vào trong, bao nhiêu tủi cực vất vả không hé răng than thở với ai, kêu thì ai thương. Mẹ đơn thân sợ nhất lòng thương hại. Nhiều người nói mẹ đơn thân sống thật kiên cường, nghị lực, có biết đâu rằng họ khát khao biết bao hạnh phúc của người phụ nữ đó là được yêu thương, đùm bọc, chở che.
Medonthan