Chẳng biết từ bao giờ người ta cứ luôn cho rằng những đứa trẻ trong gia đình khuyết thường dễ hư hỏng.
Sau bài viết ”Những người cha của thời đại mới”, thông qua Facebook tôi nhận được rất nhiều email cũng như tin nhắn của các chị đọc giả. Đa số là những chị đang phải nuôi con một mình sau ly hôn. Các chị chia sẻ với tôi những nỗi niềm về cuộc sống cũng như những lo lắng dành cho con trẻ. Thế nên tôi quyết định viết thêm bài viết này để gửi đến các chị.
Nhưng điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh với các chị là tôi không viết bằng tâm trạng đồng cảm. Vì tôi chưa làm mẹ bao giờ. Tôi cũng không viết theo kiểu an ủi sáo rỗng mà tôi viết bằng sự thực tế của người trong cuộc. Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khuyết như con của các chị bây giờ. Chúng tôi sống cùng mẹ bên nhà bà ngoại. Cha tôi thỉnh thoảng ghé thăm và có phụ cấp tài chính để mẹ nuôi chúng tôi.
Nỗi đau đầu tiên mà người mẹ một mình nuôi con gặp phải là khi con trẻ hỏi về cha. Các chị sẽ thấy tủi thân ghê gớm. Sau đó tự mình mang mặc cảm có lỗi với con. Xin thưa với các chị đó là chúng ta dùng cái đầu người lớn vẽ vời tưởng tượng ra. Tôi hồi nhỏ cũng hỏi mẹ tôi như thế. Không bao lâu sau thì không thèm hỏi nữa. Chẳng phải tôi sợ mẹ buồn đâu. Con nít tí tuổi thì biết cái gì vui buồn của người lớn. Hỏi chỉ để hỏi, hỏi chán thì không hỏi nữa. Giống như hôm qua thích chơi búp bê, hôm nay vứt vào một xó mải mê với trò đồ hàng vậy thôi. Trẻ con thích ứng rất nhanh khi đủ tuổi cảm nhận chúng sẽ tự hiểu mà không cần lời giải thích nào cả.
Còn lỗi ư, các chị có lỗi gì? Lỗi không giữ được cha cho con mình à. Thành thật một câu xem nào, có ai mà muốn mình đổ vỡ để phải một mình nuôi con không? Có phải là các chị từng níu kéo bằng đủ cách rồi phải không? Các chị có thể làm được gì đây khi gặp phải một người muốn dứt áo ra đi. Đừng gánh cái lỗi mà mình vốn không phạm phải. Nếu ngày xưa tôi hỏi cha đâu thì khi lớn tôi thấy xót xa cho mẹ hơn. Bởi vì tôi hiểu đâu người đàn bà nào muốn điều đó xảy ra với mình, chẳng qua là hết cách.
Câu cửa miệng của các bà mẹ đơn thân thường là: ”Con em không có cha bên cạnh thiếu thốn tình cảm, tội nghiệp”. Người đời họ không hiểu họ nghĩ vậy thì chẳng trách làm gì. Mẹ nào mà không thương con nhưng các chị có công nhận là mẹ đơn thân thương con nhiều hơn mẹ thông thường không? Bởi vì con trẻ là tương lai, là niềm an ủi là tất cả đối với các chị. Chính vì thương con các chị chẳng những cố gắng lo cho con bằng chúng bạn. Mà còn sẵn lòng hy sinh hạnh phúc riêng tư hay từ chối một ai đó. Vậy con các chị có thiếu thốn tình cảm không? Mà phải gánh sự thương hại tội nghiệp lên con mình. Không có cha bên cạnh là thiếu thốn vậy có cha bên cạnh mà cha mẹ chì chiết lẫn nhau các chị nghĩ là đầy đủ ư? Không thể chọn hai con đường một lúc hãy nhớ điều đó.
Ai thấy thiếu thốn chứ cá nhân tôi thì không. Thời thơ ấu bên Việt Nam tôi ở thôn quê. Gia đình tôi cũng phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền nhưng tôi vẫn thấy mình rất có phúc. Khi có được một người mẹ yêu thương chị em tôi hơn mọi thứ trên đời. Xét cho cùng tôi thấy mình vẫn hơn vài đứa bạn có cha có mẹ. Nhưng cha thì rượu chè say xỉn đánh vợ chửi con, mẹ thì lê la đề đóm cờ bạc. Chẳng mấy khi ngó ngàng quan tâm dạy dỗ con cái mà đôi khi vô tình khiến con tiếp thu cái xấu từ họ. Có cha mẹ như thế và không đủ cha mẹ như tôi cái nào mới đáng thương hơn? Chính vì suy nghĩ như vậy tôi không hề thấy buồn vì gia đình khuyết của mình. Ngược lại tôi còn cho rằng tôi có được ngày hôm nay tất cả nhờ vào nghị lực mà tôi học được từ gia đình khuyết của mình.
Chẳng biết từ bao giờ người ta cứ luôn cho rằng những đứa trẻ trong gia đình khuyết thường dễ hư hỏng. Một con người trở nên tốt xấu do môi trường sống xung quanh tác động. Kế tiếp là được giáo dục ra sao và còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Đâu có cái nghiên cứu nào bảo con nít trong gia đình khuyết bố hay mẹ lớn lên đều hư hỏng hết đâu. Khối đứa đủ cha đủ mẹ được thương yêu chiều chuộng hư thì vẫn hư. Ngược lại những người thành đạt có xuất thân từ gia đình khuyết thì ít nghe ai nhắc tới. Mặc dù những người sinh ra từ gia đình khuyết luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số.
Có bao giờ các chị thử quan sát những đứa bé trong gia đình khuyết chưa? Có phải là chúng mạnh dạn và tháo vát hơn những bạn bè cùng tuổi, cách nghĩ cũng già dặn hơn. Đơn giản bởi chúng hiểu thân tự lo thân thay vì trông chờ vào cha giúp đỡ như bao đứa trẻ khác. Chúng học từ mẹ tính tự lập khi nhìn mẹ tự tay thay bóng đèn, đóng đinh và làm tất tần tật những chuyện không tên khác. Lớn lên một chút chúng lập tức muốn đỡ đần phụ mẹ một tay, trong khi nhiều bạn bè khác vẫn vô tư lo ăn học. Nếu là bé gái lớn lên thường là những cô gái cá tính, thạo việc bếp núc. Nếu là bé trai thì mạnh mẽ trong cách nghĩ nhưng lại rất nhẹ nhàng và hiểu tâm lý phái nữ.
Lúc ra đời để tìm chỗ đứng, trong khi những bạn bè ỷ lại phía sau còn cha mẹ hậu thuẩn thì những đứa trẻ ấy biết rằng: Chẳng những không được ỷ lại mà còn phải cố gắng hết mình. Để có thể trở thành chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho mẹ mình sau này. Chính những suy nghĩ không được ngã gục, kiên trì và nổ lực ấy là yếu tố quyết định rất lớn cho sự thành công trên đường đời.
Con mèo dạy hải âu bay thì tại sao các chị lại lo con mình không bằng ai ở tương lai. Vì chúng lớn lên từ một gia đình khuyết ư? Chỉ cần các chị yêu thương con mình bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Chỉ cần các chị nuôi con bằng hết khả năng mình có. Không phải là nuôi theo cái kiểu trả nợ đời, cũng đừng nuôi theo cái kiểu cho có. Có thể cha của chúng từng làm các chị đau lòng nhưng đừng bao giờ trút cái hận đó lên đầu chúng. Bởi chúng vô tội và chúng là con của các chị.
Đọc tới đây hẳn có người bảo nói thì hay lắm gặp chuyện thì mới biết. Tôi có thể nói một cách chắc chắn nếu một ngày nào đó tôi không còn tìm được hạnh phúc cũng như sự yêu thương từ người hôn phối, tôi sẽ mạnh dạn đi ra làm một bà mẹ đơn thân mà không hề nao núng lo sợ. Tôi thà làm con gà mái xù lông, ưỡn ngực bới giun cho con bằng sức lực của chính mình còn hơn làm con gà mái vàng đứng cam chịu trong chiếc cái lồng hạnh phúc giả tạo. Tôi tin chắc con tôi không bao giờ oán trách vì chuyện lớn lên bên cạnh một người mẹ đơn thân. Bởi vì tôi cũng từng là đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khuyết. Tôi chưa có lần nào giận hờn, buồn phiền mẹ mình về chuyện đó. Ngược lại, tôi yêu mẹ gấp đôi do tôi hiểu tương lai tươi sáng của tôi hôm nay được trả bằng thanh xuân và tháng ngày vất vả của mẹ mình.
Làm mẹ đã khó, làm mẹ một mình nuôi con còn khó gấp chục lần. Thế nên các chị cần mạnh mẽ cần nghị lực hơn thay vì tự ti, mặc cảm. Thời gian ngồi khóc xót thân tủi phận thì hãy dùng vui chơi cùng con trẻ. Nuôi dạy làm sao để con của các chị sau này ngẩng cao đầu và nói với người đời rằng: ”Tôi được nuôi dạy từ một người mẹ đơn thân”. Đó chính là câu trả lời hay nhất dành cho những dè bỉu, định kiến mà các chị đang phải chịu đựng hôm nay. Chỉ đơn giản vậy thôi.
medonthan.net – Theo Song Nhi