Theo các chuyên gia tâm lí, xu hướng làm mẹ đơn thân đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. Nhưng điều mà họ e ngại nhất vẫn là thành kiến của những người ngoài cuộc. Cùng “cánh mày râu” chia sẻ suy nghĩ về các bà mẹ đơn thân này nhé.
Phụ nữ có lý do riêng để chấp nhận “cuộc chơi” thiệt thòi này
35 tuổi, hiện đang là phóng viên ảnh của báo An ninh thế giới, anh Hoàng Minh Trí có một tuổi thơ hạnh phúc lớn lên bên mẹ, các cô, và các chị. Anh chia sẻ: “Tôi vô cùng thương yêu phụ nữ. Nhìn vào mẹ tôi loay hoay cả cuộc đời cho tôi vì bố luôn xa nhà, tôi lại hình dung ra những điều mà các mẹ đơn thân phải đối diện với cuộc sống. Ừ có thể lúc này lúc nọ họ có vẻ cứng cáp trước những ánh nhìn mang màu sắc “lạ” của xã hội. Nhưng tôi biết họ cũng yếu đuối lắm chứ, nhiều tủi thân lắm chứ. Tôi thấy họ là những người phụ nữ rất vĩ đại.”
Theo anh, cuộc sống hôn nhân hiện đại ngày nay rất khó nói. Xã hội quá nhiều cám dỗ làm rạn nứt hôn nhân và để lại nhiều tổn thương cho phụ nữ. “Khi phụ nữ quyết định lựa chọn cho mình một canh bạc cuộc đời là đứa con thì mỗi người đều có một lý do riêng. Và tôi tin họ là người trong cuộc, phải có lý do riêng để chấp nhận “cuộc chơi” thiệt thòi này. Chúng ta nên tôn trọng điều đó.”
Hoàng Minh Trí, 35 tuổi, phóng viên ảnh báo Anh ninh thế giới.
“Mẹ đơn thân” không phải là thứ trang sức thể hiện bản lĩnh hay cái tôi của bất kỳ ai
Nói về lý do vài năm gần đây mẹ đơn thân dường như trở thành một xu hướng, anh Nguyễn Việt Hải, 38 tuổi cho rằng: có thể do suy nghĩ ngày càng thoáng hơn trong lối sống và cũng ngại những phức tạp phát sinh từ cuộc sống gia đình , nên họ chủ động làm bà mẹ đơn thân.
‘Nguyễn Việt Hải, 38 tuổi, Biên tập viên Ban Thời sự – Đài Truyền hình Việt Nam.
“Một cuộc sống hạnh phúc là cuộc sống ấy do mình làm chủ và mình cảm thấy hạnh phúc, do vậy làm “mẹ đơn thân” cũng chỉ là một trong những lựa chọn cách sống mà thôi, và nếu cách sống đó làm người trong cuộc vui và hạnh phúc thì chẳng có lý gì lại phản đối họ cả, và hơn nữa, ta không có quyền phán xét cuộc sống người khác. Tuy nhiên, làm “mẹ đơn thân” không phải là thứ trang sức, để thể hiện bản lĩnh hay cái tôi của mình. Bởi tấm áo này, khi khoác lên mình, bạn không thể dễ dàng vứt bỏ nó.”_ Anh Hải khẳng định.
Việc cần một người đàn ông bên cạnh cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là người đàn ông ấy có xứng đáng hay không?
Còn khá trẻ, bạn Nguyễn Thành Trung, có những chia sẻ rất thoáng: “Mình thấy bà mẹ đơn thân là những người dũng cảm, rất dũng cảm và xứng đáng được hạnh phúc. Vì làm mẹ đơn thân có thể là lựa chọn có chủ định trước, hoặc do hoàn cảnh bắt buộc phải làm vậy. Nhưng dù cho là chủ định hay do hoàn cảnh bắt buộc thì việc một người phụ nữ tự mình nuôi bản thân và nuôi con là một việc làm, một quyết định khó khăn. Cho nên họ cần được trân trọng, được che chở. Không nên vì định kiến mà dìm họ xuống, mà tạo dư luận xấu làm cuộc sống vốn đã vất vả của họ lại càng trở nên khó nhọc hơn.
Ai sống trên đời cũng muốn mình có đôi, có cặp cả. Mình là người Á Đông nên mình tin vào thuyết âm dương hoà hợp. Nhưng nếu thử đứng trên vị trí của một người phụ nữ hiện đại, có việc làm có thu nhập đủ nuôi bản thân và dư giả tí xíu, có cuộc sống tinh thần phong phú, có bạn để chơi và có chỗ để đi, có nhà để về. Khi mà người phụ nữ có đủ những điều kiện vật chất thì việc có một người đàn ông bên cạnh cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là người đàn ông ấy có xứng đáng hay không?”
‘Phạm Thành Trung, 23 tuổi, phóng viên tự do.
Khi phụ nữ nghĩ rằng họ không cần một gia đình mà vẫn có thể giáo dục trẻ em, nền tảng cơ bản của xã hội và hạnh phúc có thể bị phá vỡ
Mới lập gia đình và có một bé trai xinh xắn, anh Tạ Hữu Hiệp, 26 tuổi thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Những bà mẹ đơn thân theo mình có 2 trường hợp. Một là, lỡ có con không muốn bỏ nhưng cha đứa trẻ lại từ chối trách nhiệm. Hai là, cố tình kiếm 1 đứa con với mong muốn có được niềm vui từ tình mẫu tử, vui vầy lúc về già. Dù ở trường hợp nào mình đều cho rằng những người làm mẹ đơn thân rất dũng cảm. Bản thân 2 vợ chồng mình nuôi con còn thấy khó huống hồ là người phụ nữ phải gánh vác hết. Đó là chưa kể đến những dị nghị của xã hội.”
Tạ Hữu Hiệp, 20 tuổi, Phóng viên.
Anh cho biết thêm: “Mình không phản đối việc một số bà mẹ có ý định làm mẹ đơn thân bởi hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau. Có thể vì một lý do nào đó mà họ không thể hoặc không muốn con mình có cha. Tuy nhiên, mình nghĩ việc làm mẹ đơn thân sẽ ảnh hưởng một phần tới sự phát triển của con bởi có những điều người mẹ không dạy cho con được. Quan điểm ủng hộ chuyện này có thể dẫn tới một xu hướng xã hội tiêu cực. Khi phụ nữ nghĩ rằng họ không cần một gia đình mà vẫn có thể giáo dục trẻ em, nền tảng cơ bản của xã hội và hạnh phúc sẽ bị phá vỡ.”
Mẹ đơn thân là một hiện tượng có thực, đang tồn tại ngoài kia, là một lựa chọn, cũng như độc thân hoặc lập gia đình, hoặc yêu người đồng giới. Tôi chỉ chấp nhận nó như một thứ có thật, không hơn không kém.
Anh Trần Đức Hòa, 27 tuổi, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội lại có những suy nghĩ khá sâu sắc. Anh chia sẻ: “Thực tế là tôi có một người bạn thân làm mẹ đơn thân và thậm chí bây giờ cô ấy còn nổi tiếng vì những cuốn sách kể về điều đó. Nhưng điều đó không làm tôi đồng ý hơn với xu hướng này. Mẹ đơn thân là một hiện tượng có thực, đang tồn tại ngoài kia, là một lựa chọn, cũng như độc thân hoặc lập gia đình, hoặc yêu người đồng giới. Đây là một hiện tượng thực sự đang tồn tại, và với tinh thần là con người ngày một cá biệt hóa trong cách nghĩ, cách làm, chúng ta cần phải chấp nhận những khác biệt ấy, cảm thông với hoàn cảnh và động cơ của những người mẹ ấy. Tạm thời, tôi chỉ chấp nhận nó như một thứ có thật, không hơn không kém.”
‘ Trần Đức Hòa, 27 tuổi, Giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội.
Anh Hòa mong muốn, mọi người thử đặt mình vào vị trí của các bậc phụ huynh để suy nghĩ về điều này, như là một phần trong cuộc sống của chính mình, xem chúng ta có muốn con gái mình trở thành mẹ đơn thân không? Hoặc hãy đặt mình vào vị trí của đứa trẻ chỉ có mẹ, và tự hỏi liệu chúng ta có muốn gia đình không có người cha hay không? Hơn nữa, thế giới vốn luôn cần có sự cân bằng, gia đình nói chung và sự phát triển của đứa trẻ nói riêng rất có thể sẽ trở nên méo mó nếu thiếu sự hiện diện của người đàn ông. Dĩ nhiên điều này không đồng nghĩa với việc phải bất chấp tất cả để níu giữ những người đàn ông không còn yêu thương mình. Rõ ràng là cần suy nghĩ nghiêm túc về chuyện này, trước khi bàn đến việc có trở thành mẹ đơn thân hay không.
medonthan.net – Theo Lyn (Depplus.vn/MASK)