Có thể bạn lo lắng cơn thịnh nộ là dấu hiệu cho thấy một tính cách khó khăn của trẻ, hãy bình tĩnh, cơn thịnh nộ ở tuổi này là hoàn toàn bình thường.
-> Hãy xây dựng một nền móng vững chắc trong quá trình nuôi dạy trẻ
Bé nổi cơn thịnh nộ có thể là do bé cảm thấy thất vọng hoặc có thứ nào đó làm phiền bé.Những cảm xúc mạnh của bé thường là nguyên nhân gây ra các cơn thịnh nộ nói trên. Khi bé không kiểm soát được cảm xúc của mình, bé sẽ trở nên mất bình tĩnh và dẫn đến cơn thịnh nộ. Mệt mỏi, sợ hãi, bị bạn từ chối và bị chen ngang cũng là những nguyên nhân thường thấy.
Làm gì khi trẻ nổi cơn thịnh nộ?
Không chỉ động tay động chân, la hét, hoặc dậm chân, có thể bé sẽ ném đồ vật, đánh, và thậm chí nín thở (Đừng lo – cuối cùng bé cũng sẽ phải thở, nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ khi con bạn hành xử như vậy).
Đừng mất kiểm soát:
Bạn có thể sẽ giận dữ với bé, nhưng như vậy bé sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Cơn thịnh nộ của bé cũng làm bé sợ hãi, vì vậy bé muốn bạn ở bên cạnh. Bé thường không thể nghe bạn giải thích lý do và sẽ phản ứng rất tiêu cực: la hét hoặc đe dọa.
Thay vì để mặc con trẻ, bạn nên ngồi cạnh con mình. Bạn cũng có thể ẵm hoặc ôm bé. Có thể bé sẽ thấy dễ chịu và bình tĩnh hơn. Và nếu bé vẫn hơi giận, bạn có thể cố gắng lờ đi cho đến khi cơn thịnh nộ qua đi.
Hãy nhớ rằng bạn là người trưởng thành:
Dù cho cơn thịnh nộ có kéo dài bao lâu, bạn đừng bỏ cuộc trước những đòi hỏi vô lý hoặc cố thương lượng với một đứa trẻ đang la hét.
Vì việc đó sẽ chỉ khiến bé nghĩ rằng cơn thịnh nộ là cách để bé có được những gì mình muốn và tiếp tục làm như vậy những lần sau. Hơn nữa, cơn thịnh nộ cũng đủ làm bé sợ hãi rồi.
Nếu bé giận đến mức bé đánh người hoặc vật nuôi, ném đồ vật, hoặc la hét không ngừng, bạn hãy bế bé lên và đặt bé ở nơi an toàn (như phòng ngủ của bé) để bé không bị thương. Hãy nói với bé vì sao bạn lại bế bé vào phòng và để bé biết bạn sẽ ở bên cạnh bé cho tới khi bé bình tĩnh lại. Nếu bạn đang ở nơi công cộng, nơi cơn thịnh nộ dễ xảy ra – bạn hãy rời khỏi chỗ đó với bé cho đến khi bé bình tĩnh.
Nói chuyện với bé:
Khi cơn bão lắng xuống, bạn có thể ôm trẻ và nói chuyện với bé về những gì đã xảy ra. Bạn hãy dùng ngôn ngữ đơn giản để bé hiểu được và giúp bé tập nói ra cảm xúc của mình
Hãy để bé thấy rằng khi bé có thể giải thích cảm xúc của mình, bé sẽ thấy khá hơn. Hãy cười nhẹ với bé và nói “Khi thấy con la hét, ba/mẹ hiểu. Bây giờ con đã bình tĩnh rồi thì con có thể nghĩ xem mình muốn gì”. Sau đó bạn hãy ôm bé nhé.
Cố gắng tránh những tình huống gây ra cơn thịnh nộ:
Bạn hãy chú ý những nguyên nhân gây ra cơn thịnh nộ và cố hạn chế chúng.
Bạn hãy để trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, và bạn cũng nên luôn mang theo đồ ăn. Trẻ dễ nổi nóng hơn khi đói bụng hoặc mệt mỏi.
Báo trước cho bé trước khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Hãy báo với bé trước khi bạn rời khỏi sân chơi hoặc khi chuẩn bị ăn tối, chẳng hạn, cho bé thời gian để thay đổi phù hợp. (“Khi nào con với ba kể chuyện xong chúng ta sẽ ăn nhé” hoặc “Con chơi xích đu thêm 5 lần nữa thôi thì mình đi nhé”)
Hãy đưa ra những lựa chọn giới hạn. Trẻ sẽ phải làm quen với những đòi hỏi từ ba mẹ, từ bạn bè, giáo viên và tập trở nên độc lập, vì vậy bạn hãy để bé tự quyết định khi có thể. Không ai thích lúc nào cũng bị bảo phải làm theo lời người khác. Bạn có thể nói “Con muốn ăn bắp hay cà rốt?” thay vì nói “Con ăn bắp đi!”.
Hãy kiểm soát số lần bạn nói “không”. Nếu bạn nói không quá nhiều, bạn có thể làm cả hai bên cảm thấy căng thẳng. Hãy nhẹ nhàng với nhàng với bé. Để bé ở lại chơi thêm 5 phút cũng không làm ảnh hưởng lịch trình của bạn đúng không nào?
Hãy để ý những dấu hiệu căng thẳng của bé:
Dù những cơn thịnh nộ thường xuyên ở trẻ trước tuổi đến trường là bình thường, bạn hãy để ý những vấn đề có thể phát sinh.
Trong gia đình bạn có biến động nào không? Gần đây bạn có thường bận bịu không? Giữ ba và mẹ có căng thẳng nào không? Những lý do trên có thể gây nên cơn thịnh nộ.
Nếu con bạn vẫn nổi cơn thịnh nộ hằng ngày, hoặc tình hình ngày càng tệ hơn, hoặc bạn cảm thấy mình không thể giải quyết được nữa, hãy đưa bé đi bác sĩ. Bé sẽ được kiểm tra thể chất hoặc tinh thần và được bác sĩ hướng dẫn cách đối phó với cơn thịnh nộ cụ thể hơn.
Nguồn: Babycenter.com