Khi tôi dẫn anh về nhà ra mắt, mười người có đến chín người chê anh. Ai biết về gia đình anh cũng xúm vào khuyên, nhà đó không “cơ bản” đâu.
- Thà ở vậy nuôi con chứ không nên ép mình sống với một kẻ bội bạc
- Gương đã vỡ rồi nhặt lại làm gì cho tay chảy máu
- Hôn nhân đổ vỡ và sự lạc quan đáng ngưỡng mộ của người phụ nữ xinh đẹp
Em gái (chính là mẹ anh) đi cướp chồng của chị gái, những đứa cháu bị dì ruột hành hạ, chửi bới, bốn đứa con của bà dì cũng lếch thếch, chả được dạy dỗ tử tế…
Kệ mọi người nói ra nói vào, trái tim mù quáng của tôi vẫn biện hộ, bênh anh: “Chính vì hoàn cảnh anh như thế, nên em càng thương hơn…”. Sự mông muội đã đưa tôi đến đám cưới với anh, mặc bố mẹ tôi đau buồn, suy sụp.
Cưới xong, có một khoản kha khá của người thân mừng cho, tôi định mang gửi tiết kiệm phòng thân, thì nghe chồng ngon ngọt, liền tin tưởng mang đi cho anh trai chồng vay làm nhà.
Tôi sống cùng mẹ chồng, dù đã rất cố gắng nhưng cũng không thoải mái, bà luôn mượn tiền chả biết bao giờ mới trả, cứ bòn rút của tôi từng ít một khiến tôi bối rối. Tôi đâu có nhiều tiền, vậy là bà sẵn sàng trở mặt, lê la nói xấu con dâu. Chồng đi làm xa tôi chẳng thể trút bầu tâm sự với ai, có những khi tôi thắc mắc về lương bổng của chồng, anh lý giải đang chơi hội với mấy anh em đồng nghiệp, sau thành món lớn sẽ đưa. Tôi thấy xuôi tai nên không hỏi nữa.
Bốn tháng sau ngày cưới thì tôi có thai, bỗng nghe một người bạn mách: “Chồng mày chuyên đánh bạc thâu đêm suốt sáng!”. Tôi mệt mỏi, song vẫn cố lê đi bắt ô tô khách đến cơ quan chồng dò la, khuyên nhủ, anh chối phăng, còn trách tôi hồ đồ.
Sau hôm ấy tôi đau bất thường, người ê ẩm rã rời liền đi khám, tôi được chẩn đoán tử cung yếu, khó giữ thai. Bác sỹ kê thuốc và khuyên không nên đi lại nhiều. Vì con tôi đành xin nghỉ việc, bởi chỗ làm cách nhà quá xa, thôi để mẹ tròn con vuông xong thì tính tiếp.
Mẹ chồng vin vào cớ đó mắng mỏ tôi là tiểu thư, lười biếng, ăn bám nhà bà. Chồng thì một, hai tháng mới đảo qua nhà một lần, biết tình cảnh, song cũng không đưa được cho mẹ hoặc vợ đồng nào, khiến tôi càng thêm bí bách.
Đến bữa hầu như chẳng có gì ăn, thiếu chất người tôi quắt queo lại, tôi hiểu ra những gì ngày trước mọi người góp ý là có cơ sở.
Thai đến tháng thứ năm, đã ổn định hơn nhưng đi xin việc làm gì có nơi nào nhận, tôi xin phép mẹ chồng về nhà mẹ đẻ ít hôm. Bà lạnh lùng: “Quay đi cấm kỳ trở lại”, tôi không dám đi, nhưng hôm sau không hiểu nghĩ lại hay sao mà bà kiếm cớ, khi tôi rửa bát, trượt tay đánh rơi cái thớt, bà đổ sống cho, bảo là chắc tôi muốn ném cái thớt vào mặt bà, đoạn bà thẳng tay đuổi tôi “Cút khỏi đây!”.
Tôi tủi thân, lững thững ra đi trong tay chỉ mang theo đúng hai bộ quần áo. Ngôi nhà thân thương ngày nào có bố mẹ hiểu cơ sự, đã dang tay ra ôm tôi vào lòng. Nhờ bình yên, con tim tôi yêu cuộc sống trở lại, không đau đầu, tăm tối như trước, tôi tăng cân đều, hai mẹ con khoẻ mạnh.
Vậy nhưng, trong suốt mấy tháng về nhà mẹ đẻ, nhà chồng tôi không một ai ngỏ lời hỏi thăm, tôi gọi điện họ cũng không nghe. Qua người bạn tôi được biết mẹ chồng thêu dệt, đi rêu rao khắp lượt người thân, sơ rằng tôi cãi, chửi lại bà, rồi bỏ về nhà ngoại. Nghe xong tôi chỉ biết cắn răng cho nước mắt tuôn, sao lại có người cay nghiệt, xảo trá đến thế.
Tôi cố gạt đi, tự dặn mình đừng dễ xúc động, giờ sức khỏe của hai mẹ con mới là quan trọng.
Cũng may trời thương, nên tôi sinh con được suôn sẻ, nhẹ nhõm. Hôm ấy ông bà, họ hàng nhà tôi đến thăm đông đủ, giúp tôi thấy ấm lòng, cảm động rưng rưng. Mấy người cùng phòng trong viện thương cảm, hỏi han sao không thấy bên nhà chồng, tôi chạnh lòng lặng thinh, tránh cái nhìn ái ngại, thương hại của họ. Mẹ động viên, bảo tôi đừng quá chú ý người khác nghĩ gì về mình, cứ kệ, ai sống thế nào trời xanh có mắt.
Chẳng còn đồng nào, tôi nhớ đến đứa bạn trước mượn tôi tiền, nó ngỡ ngàng khi được
hỏi: “Chồng cậu đòi và tớ đưa rồi”. Tôi gọi điện tính mắng cho một trận, nhưng anh ta không nhấc máy. Tôi tức vì không thể tưởng tượng nổi con người vô liêm sỷ, đốn mạt như thế lại là bố của con mình, tôi càng thương xót con hơn.
Song, sống với một người như thế, tôi thà làm mẹ đơn thân.
Theo giadinh