
Nhiều chị em lựa chọn làm mẹ “đơn thân“ (ảnh minh họa)
Một mình lẻ bóng đã là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Tự vượt cạn, tự nuôi con lại càng vất vả, khổ sở bội lần. Những chị em nào có ý định làm mẹ đơn thân thì trước khi bước vào con đường này cần có sự chuẩn bị tâm lý ứng phó.
Những áp lực khi đơn thân nuôi con
Không chỉ một mình vượt cạn và nuôi dạy con, tâm lý bất ổn, thiếu hụt kinh tế và sự chông chênh của một gia đình thiếu nóc buộc họ phải gồng mình gấp đôi gấp ba những phụ nữ bình thường. Trong khi ấy, stress và cô đơn vẫn không ngừng bủa vây bà mẹ trẻ.
Nếu chẳng may lâm vào cảnh đặng chẳng đừng bạn phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định nuôi bé một mình. Hãy liệt kê những trở ngại bạn phải vượt qua. Lần lượt nghĩ cách giải quyết từng trở ngại một sẽ giúp bạn dễ cân nhắc hơn.
Vừa xây nhà vừa xây tổ ấm
Nếu vẫn quyết định vừa làm mẹ vừa làm bố, hãy chuẩn bị thật tốt cả tinh thần và vật chất trước khi bé ra đời.
Kinh tế:
Để đảm bảo cuộc sống cho bé, bạn phải có kinh tế vững vàng. Hãy tự hỏi các câu hỏi sau:
Mức lương hiện giờ đã đủ cho chuyến vượt cạn và cuộc sống của 2 mẹ con sau này?
Thu nhập của bạn có ổn định và tăng dần khi bé lớn?
Bạn đã dành dụm được khoản tiền phòng thân chưa?
Hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho cuộc sống của 2 mẹ con (ảnh minh họa)
Tâm lý:
Không chỉ chuẩn bị tâm lý cho mình bạn còn phải chuẩn bị tâm lý cho con. Tốt nhất hãy chia sẻ với gia đình, bạn bè về quyết định của bạn. Họ chính là hậu thuẫn quan trọng cho mẹ con bạn sau này.
Đối với những bà mẹ đơn thân, điều khó khăn nhất là phải giải thích với con vì sao con lại không có ba như các bạn khác; nuôi dạy con thế nào để con không bị mặc cảm, thua kém chúng bạn và tự tin khi bước ra ngoài xã hội… Điều đó đòi hỏi một “single mom” phải hết sức mạnh mẽ mới có thể vững vàng và thích ứng với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống.
Tùy hoàn cảnh và nguyện vọng của trẻ bạn có thể sắp xếp cho hai bố con gặp nhau. Điều quan trọng là luôn chứng minh cho bé thấy vị thế xã hội và tình yêu của bạn.
Nếu sinh bé trai hãy luôn bổ sung kiến thức về giáo dục giới tính, đồng thời nhờ một người nam trưởng thành trong gia đình theo sát và hướng dẫn bé những kiến thức cần thiết.
Sức khỏe:
Muốn chu toàn việc chăm sóc con, quán xuyến việc nhà và lao động kiếm tiền bạn phải có sức khỏe dẻo dai. Hãy thường xuyên vận động, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý và khám sức khỏe định kỳ.
Cũng quan trọng như việc nuôi dưỡng các nhu cầu của bé, bạn cần biết cách tự chăm sóc bản thân mình. Thậm chí chỉ là việc thưởng cho mình một buổi tắm bồn thật lâu với nước nóng hay xem một chương trình TV ưa thích, hãy làm điều gì đó mỗi ngày cho chính bản thân bạn.
Hòa đồng:
Bạn nên tích cực tham gia các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức, câu lạc bộ phụ nữ để có người chia sẻ, tâm tình hoặc đóng góp lời khuyên khi cần thiết, gặp gỡ bạn bè hoặc những bà mẹ cùng cảnh ngộ để thư giãn tinh thần.
Việc tích cực đưa con hòa nhập vào các hoạt động cộng đồng, chơi thể thao… sẽ giúp đứa trẻ hướng ngoại hơn, tính tình phóng khoáng, phát triển tâm sinh lý cân bằng, tránh mặc cảm.
Theo Dlyinfo