Tôi còn nhớ, phần lớn thời thiếu nữ của mình, tôi ăn mặc như một cậu con trai (quần jean, áo sơ mi dài lượt phượt, và nón lưỡi trai).
Ba tôi rất thích kiểu ăn mặc này vì nhìn nó có vẻ… bụi bặm (an toàn). Cho tới một hôm, lấy hết dũng khí, tôi mang một chiếc váy xòe ngang đầu gối ra mặc. Chiếc váy này tôi mua cả mấy tháng rồi, gom hết tiền để dành ra một tiệm quần áo ngoài chợ chọn được. Ba tôi giận lắm, bắt thay ra cho bằng được. Ba nói, con nhà nghèo mà bày đặt tiểu thư!
Tôi lớn lên trong sự kềm cặp sát sao dữ dội của ba tôi. Ông luôn nhắc tôi về sự nghèo khó của gia đình, và dường như, trong sự nghèo khó đó, tôi không có quyền thể hiện nữ tính.
Sau khi làm mẹ của ba đứa con và chọn lựa làm một bà mẹ đơn thân, tôi mới phát hiện ra rằng, cái thiếu lớn nhất của tôi, hóa ra là thứ mà ba tôi đã hạn chế tôi, đó chính là nữ tính. Vì sợ con gái sẽ ”hư” theo một cách nào đó, ông đã giáo dục tôi như giáo dục một đứa con trai: đầy dũng khí khi sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức, không hề sợ hãi với bất kỳ đau đớn thể xác nào, đầy chiêm nghiệm đời sống với sự sâu sắc hơn nhiều so với lứa tuổi của tôi, nhưng thiếu mất nữ tính.
Vì thiếu mất nữ tính, tôi không biết phải dọn thế nào cho căn nhà của mình sạch đẹp. Tôi cũng không biết nấu bữa cơm ngon. Tôi cũng không biết chọn những lời dịu dàng thay vì những lời đanh thép khi đối thoại với người chồng. Trong gia đình tôi có hai người đàn ông.
Bạn đã biết điều gì xảy ra rồi đó. Trong một cuộc hôn nhân có hai mảnh răng cưa trật khớp, luôn luôn có nhiều nguy cơ đổ vỡ. Chồng tôi không sai khi mong muốn có một người vợ đủ nữ tính để vun vén một gia đình thay vì xông pha ngoài xã hội. Tôi cũng từng cố gắng bỏ quên con người mà ba tôi đã dày công vun xới, để trở thành con người mà chồng tôi muốn tôi trở thành.
Tôi cố gắng làm điều đó được năm năm. Cuộc đời tôi như thể cuộc đời của một người khác. Tôi thậm chí còn không cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui. Tôi trở thành một người vợ buồn bã trước chồng tôi, một người mẹ cáu kỉnh trước các con tôi, một người con bế tắc trước ba mẹ tôi.
Và vì thế, tôi đã ra đi.
Lựa chọn đó không phải là lựa chọn làm mẹ đơn thân hay làm một người phụ nữ đủ đầy, mà là lựa chọn một cách sống. Tôi thật sự hổ thẹn khi ai đó gặp tôi và nói: em thật là bà mẹ anh hùng!, hoặc: em thật quá mạnh mẽ! Bởi, tôi có làm được điều gì khác biệt hay lớn lao đâu? Tôi chỉ là đang sữa chữa sai lầm của chính mình. Chồng là tôi lấy, con là tôi đẻ. Những quyết định lớn trong đời là của tôi, chẳng phải của ai khác. Tôi chỉ đang sữa chữa những sai lầm mà thời tuổi trẻ u mê đã gây ra. Vậy có gì là anh hùng ở đây?
Vậy nên bạn đừng nói với tôi về sự cao đẹp của mẹ đơn thân, mà hãy nói với tôi về sự cao đẹp của một gia đình lành lặn mà bạn đã dày công vun đắp.
Đằng sau một sự hỏng hóc đều có ít nhất một người vụng về và một người không đủ khéo léo hay kiên nhẫn để sữa chữa. Và đừng nói với tôi về những đứa trẻ không thiệt thòi khi không có cha bên cạnh. Tôi không tin. Tôi có thể mang đến cho những đứa con mình một đời sống an ổn bình thường nhưng lấy gì để tôi có thể vỗ ngực mà nói rằng: tôi đã mang điều tốt nhất đến cho con tôi?
Tôi quyết định nói ra điều này bởi nhiều ngày qua, rất nhiều chị em bạn bè đã hỏi tôi rằng, làm sao để có thể mạnh mẽ như chị/ em? Tôi hỏi ngươc lại rằng, tại sao phải mạnh mẽ?
Bạn biết không, đôi khi giải quyết cả một cuộc hủng hoảng khủng khiếp trong hôn nhân chỉ bằng một giọt nước mắt.
Một người chị đã kể tôi nghe rằng, vào lúc hai vợ chồng chị bàn đến chuyện chia tài sản khi chị nằng nặc đòi ly hôn vì anh có người phụ nữ khác, chị rớt một giọt nước mắt nói, em cần tài sản để lo cho con, thì bỗng nhiên anh thay đổi. Anh ấy đã nói, em lấy hết đi cũng được. Chị đã nói rằng, cả một cuộc đời cứng rắn, đó là lần đầu tiên chị không kiềm được nước mắt. Vì quá yêu anh mà ra. Vậy mà giọt nước mắt đó đã cứu gia đình chị. Nhiều năm đã qua, chị gần như không còn nhớ đến người phụ nữ năm nào đã làm cho gia đình chị tới bờ vực đổ vỡ nữa.
Tôi không cổ súy cho ly hôn và lựa chọn làm mẹ đơn thân. Tôi sẽ luôn nói về điều này và sẽ không ngừng nhắc lại. Nếu có thể, hãy lựa chọn làm mẹ đơn thân khi bạn không có cửa lùi, đừng vì ích kỷ hay tự trọng, hay trong một lúc nóng nảy hờn ghen mà đi đến quyết định đó.
Có chị hỏi tôi, vậy có phải là phụ nữ quá thiệt thòi hay không? Dạ có. Tôi nhớ lại nhân vật Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, một cuộc đời tài sắc trôi dạt theo số phận nghiệt ngã, và chợt so sánh với Sheryl Sandberg, giám đốc hoạt động của Facebook, là nhân vật đứng thứ hai sau tổng giám đốc và người sáng lập Facebook. Cô được xem là một phụ nữ quyền lực ở thung lũng Silicon, từng giữ chức vụ lớn tại Google, và bộ Tài chính Mỹ. Từ Thúy Kiều đến Sheryl Sandberg là một đoạn đường rất dài, và cho đến nay, trong cuốn sách Dấn Thân, Sheryl Sandberg vẫn dành cả cuốn sách để nói về bất bình đẳng giới. Cô dành cả một trang web riêng để chia sẻ, cổ vũ phụ nữ không ngừng theo đuổi ước mơ của mình, đừng quẩn quanh với người chồng, xó bếp và những đứa con.
Nhưng trong phạm vi bài này và phạm vi cuộc đời mình, tôi không nói về bình đẳng giới. Tôi nói về sự bình an. Và tôi tin, đằng sau một người có nụ cười rạng rỡ và gương mặt bình an, là cả cuộc đời bão tố. Vì chỉ có ai đi qua bão tố rồi mới biết quý sự bình an trên từng cơ mặt họ.
Bạn đừng nói với tôi về nhan sắc hay đôi vú đẹp. Hãy nói với tôi về sự lành lặn trong trái tim khi bạn đã ngừng đâm vào người khác bằng những lời mất kiểm soát của mình. Hãy cố gắng giữ lấy sự bình an của mình để lan tỏa tình thương yêu trọn vẹn đến những người ở xung quanh.
Đừng làm một người đàn bà chống chọi với cả thế giới để tỏ ra mạnh mẽ. Hãy làm một người hồn nhiên bên cạnh mọi người.
Theo tuoitre
Bình luận bị đóng