Medonthan.net– Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cho đứa con thân yêu của bạn, bạn cần phải làm nhiều việc, trong đó giữ vệ sinh thai nghén là một vấn đề cần quan tâm, bao gồm:
- Vệ sinh trong sinh hoạt và lao động,
- Ăn uống đủ chất,
- Đảm bảo các tư thế và động tác đúng và phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Khi mang thai, tùy theo tuổi thai và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có chế độ làm việc phù hợp. Có thể duy trì những hoạt động thường ngày và cần nhẹ nhàng, tránh làm việc quá sức, nhất là những tháng cuối thai kỳ để đề phòng việc sanh non có thể xảy ra do tử cung bị kích thích tạo ra cơn co.
Những động tác thể dục nhẹ nhàng, vừa sức vào những thời điểm thích hợp trong thai kỳ sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt cho bạn và thai nhi, nó giúp tinh thần sảng khoái, tuần hoàn máu được lưu thông. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện với mức độ vừa phải và nghỉ ngơi bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt và đuối sức.
Việc hít thở sâu giúp thải một lượng khí cácbonic cao và hít vào lượng oxy lớn có lợi cho hô hấp của mẹ và thai nhi và càng có lợi khi sanh.
tu the ngoi khi mang thai
Khi thai được 20 tuần tuổi, bạn sẽ được mời tham gia lớp Chuẩn bị làm mẹ trước sanh, nếu tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi cho phép. Lớp học sẽ hướng dẫn nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng thai nghén của bạn.
Khi thai nhi ngày càng lớn, bụng của thai phụ sẽ có xu hướng nhô về phía trước, do vậy, vị trí trọng tâm thay đổi. Ngoài ra, hiện tượng giãn sinh lý của các dây chằng trong xương chậu, các đốt sống thắt lưng dễ bị nghiêng về phía trước, áp lực lên cơ bụng tăng lên khiến bạn dễ bị mệt mỏi và đau lưng.
Để tránh những nguy cơ này, trong thời gian mang thai, các thai phụ nên thực hiện và duy trì những tư thế đúng trong sinh hoạt.
Khi đứng, để không bị mỏi, thai phụ nên đứng hai chân thẳng, hai bàn chân hơi mở, để trọng tâm rơi vào gần tâm bàn chân.Không nên đứng quá lâu, nếu phải đứng quá lâu thì cách vài phút phải đổi tư thế trước, sau của hai chân, để trọng tâm rơi vào cẳng chân trước, chân trước thẳng để có thể giảm mức độ mệt mỏi.
Tư thế ngồi ghế Khi cần phải ngồi ghế bạn nên ngồi sâu vào trong ghế, lưng tựa thẳng vào lưng ghế. Tránh ngồi ở mép ngoài ghế sẽ dễ bị trượt, không nên đặt mông mạnh ngay xuống ghế mà trước tiên, bạn nên đặt mông xuống phía ngoài rồi đẩy mông vào bên trong. Khi ngồi ghế có lưng dựa, phải xếp khớp đầu gối cho đùi và cẳng chân vuông góc, đùi song song với mặt đất.
Tư thế nghỉ ngơi và thả lỏng
Thời kỳ đầu mang thai, nằm ngửa duỗi thẳng chân là tư thế tốt nhất. Chêm thêm hai gối nhỏ dưới khoeo chân, toàn thân được thả lỏng thoải mái.
Sau tuần thứ 16, tư thế nằm nghiêng làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn. Nằm nghiêng có thể loại trừ mọi căng thẳng cơ bắp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ ngon. Dưới bụng nên có một chăn lót đỡ. Hai chân hơi cong, chân trên duỗi thẳng đặt ở phía trước. Tư thế này có thể làm bạn thấy thoải mái và dễ chịu hơn khi bắt đầu có những cơn đau do chuyển dạ.
Tư thế lên xuống cầu thang
Khi lên cầu thang nên duỗi thẳng lưng. Khi xuống cầu thang, bạn cần chú ý nhìn rõ các bậc cầu thang. Bước lên, xuống chậm rãi, chắc chắn, và bằng cả bàn chân, không bước bằng mũi chân vì có thể bị ngã. Nếu có tay vịn, nhất định bạn phải vịn vào tay vịn khi lên, xuống.
Tư thế khi nhặt các đồ vật và nhấc vật nặng
Khi nhặt các đồ vật trên mặt đất, trước tiên bạn phải gập đầu gối, sau đó hạ eo xuống, ngồi xuống vững chắc rồi mới nhặt đồ vật. Sau khi nhặt đồ vật xong, bạn nên đứng thẳng lên. Tuyệt đối không được khom người khi nhặt đồ vật.
Khi cần nhấc một vật nặng, bạn nên ngồi xổm kéo vật nặng gần người rồi dùng hai tay nhấc lên. Tránh khom người cúi xuống nhấc vật nặng vì sẽ gây căng cơ vùng thắt lưng làm đau lưng.
Tư thế ngồi dậy khi đang nằm
Bạn hãy nằm nghiêng qua một bên, gập gối, chống tay rồi từ từ ngồi lên. Tránh đang nằm thẳng ngồi bật dậy có thể gây tụt huyết áp tư thế đứng.
Các thai phụ nên tránh làm các động tác sau đây để tránh đau lưng và nguy cơ té ngã:
- Điều khiển máy hút bụi,
- Quỳ gối lau nhà,
- Ngồi gập chân ra phía sau,
- Mang xách nhiều đồ,
- Đi xe đạp chở nhiều đồ,
- Ngồi xổm,
- Đứng quá lâu,
- Đứng trên ghế,
- Kiễng chân hoặc với tay lấy đồ vật…
Lữ Thị Trúc Mai