Singlemum – Phụ nữ sau sinh mổ tuy không phải là ca phẫu thuật quá phức tạp: khoảng 7 ngày là có thể cắt chỉ, 9-10 ngày sau có thể xuất viện, nhưng chị em cần được chăm sóc sau sinh mổ một cách đặc biệt để nhanh chóng phục hồi, hạn chế đến mức thấp nhất những biến chứng có thể xảy ra.
- Bà đẻ ăn gì: Thực đơn hàng ngày cho bà mẹ sau khi sinh mổ
- Bà đẻ kiêng ăn gì: 12 thực phẩm mẹ sinh mổ tuyệt đối không được động vào
- Sau sinh mổ nên ăn gì để nhanh chóng phục hồi sức khỏe và lợi sữa
6 tiếng sau khi mổ
– Làm vệ sinh cá nhân: mẹ đã có thể rửa mặt, súc miệng, chải răng mỗi ngày. Mẹ nên chọn bàn chải mềm, tránh chảy máu răng.
– Nằm nghiêng, không dùng gối: trong vòng 6 giờ đầu sau khi sinh, thuốc tê sẽ hết tác dụng, vết mổ bắt đầu đau nên việc nằm nghiêng sang môt bên, thẳng người và không dùng gối sẽ làm giảm đi cơn đau của mẹ. Ngoài ra nằm nghiêng đầu sang một bên cũng có tác dụng để tránh nôn. Các y bác sỹ sẽ giúp các mẹ cố định túi thông tiểu ở vị trí thích hợp và lót giấy vệ sinh dưới mông, thăm khám định kỳ sự co tử cung và tình trạng xuất huyết âm đạo.
– Kiêng ăn trong vòng 6 giờ sau sinh: bởi sau khi mổ ruột bị kích thích nên chức năng của đường ruột bị hạn chế, trong khoang ruột có nhiều khí tích tụ. Do đó, sau khi mổ thường có cảm giác đầy bụng. Để giảm bớt lượng khí, tạm thời mẹ chưa nên ăn uống gì để ruột có thời gian hồi phục chức năng.
– Nghỉ ngơi, cho con bú sớm: dù phải nghỉ ngơi nhưng mẹ không nên ngủ quá nhiều vì nước ối sẽ bị tích tụ ở tử cung. Mẹ cần khởi động chân tay nhẹ nhàng để lấy lại cảm giác. Ngồi dậy nhẹ nhàng để tăng cường sự hoạt động của ruột, dạ dày, điều tiết khí sớm, tránh trường hợp bị dính ruột, tắc mạch máu. Đồng thời, nên cho con bú sữa sớm trong vòng 1 giờ sau sinh, nếu đây là lần đầu làm mẹ, bạn hãy nhờ bác sĩ, hộ lý hay người thân hướng dẫn bạn cách cho con bú.
Vài ngày sau khi mổ
– Nằm nghiêng, dùng gối kê sau lưng: nằm nghiêng đầu sang một bên, có thể kê gối hoặc dùng chăn lót sau lưng (tốt hơn nữa khi kết hợp túi muối nóng) sao cho thân người tạo với giường một góc 20-30 độ, nhằm giúp chị em giảm va chạm đến vết mổ và giảm đau khi dịch chuyển cơ thể.
– Ăn đồ mềm, lỏng: Thời gian này mẹ nên ăn đồ mềm, lỏng để dễ tiêu hóa. Canh củ cải được cho là món hợp lý để giúp giải phóng bớt khí trong đường ruột. Không nên dùng nhiều chất đường – bột hay các sản phẩm từ đậu tương vì chúng dễ gây đầy hơi. Cũng không nên ăn cá vì nó gây ảnh hưởng đến sự đông máu sau mổ, khiến vết thương lâu lành.
– Đi vệ sinh: sau khi mổ do bị đau nên bụng không thể dùng sức, việc đi tiểu tiện đại tiện không thể được bài tiết kịp thời dễ gây sỏi thận hoặc táo bón do đó mẹ cần hình thành thói quen “giải quyết” kịp thời, đừng cố nhịn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thuốc tê, sau 3-5 ngày bụng của mẹ vẫn còn triệu chứng đầy hơi và có triệu chứng táo bón nên mẹ cần uống nhiều nước để “tống khứ” chúng, nhưng đừng uống nước lạnh mẹ nhé.
– Tập vận động nhẹ nhàng: 1 ngày sau khi mổ, mẹ nên tập cử động chân tay, ngồi dậy, xuống giường tập đi. Điều này nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp vết thương mau lành, tăng cường nhu động ruột, giúp nhanh thoát khí, tránh nguy cơ dính ruột và tắc mạch máu.
– Giữ ấm và giữ vệ sinh cơ thể, tránh để nhiễm bệnh
– Chăm sóc vết mổ cẩn thận: không tự ý bôi thuốc, không tháo bỏ hết găng gạc nhưng cũng đừng băng quá chặt vết mổ, nếu không sẽ gây viêm nhiễm hoặc làm tăng tổn thương.
– Nhờ mọi người trong gia đình giúp đỡ: sau khi sinh mổ từ 5-7 ngày các mẹ sẽ được xuất viện nếu sức khỏe của hai mẹ con đã ổn định. Khi về nhà, mẹ cần được nghỉ ngơi nên đừng ngần ngại nhờ sự trợ giúp từ ông xã hay người thân mẹ nhé.
1 tuần sau khi mổ
– Ăn uống nhẹ nhàng: sau khi các mẹ đã đào thải được khí ra ngoài cơ thể thì mẹ có thể ăn uống bắt đầu từ những loại thức ăn lỏng đến sền sệt. Nên chọn loại thức ăn có nhiều dinh dưỡng và dễ tiêu hoá như canh trứng gà, cháo, súp… rồi dần dần khôi phục lại chế độ ăn như bình thường. Lúc này không cần vội phải sử dụng những loại canh để giúp tiết sữa như canh gà hay canh thịt.
– Kiêng lạnh: không được đụng tới nước lạnh, không tắm nước lạnh, giặt quần áo hoặc uống đá lạnh. Tuy nhiên, việc không tắm gội suốt 1 tháng trời thì không nên. Cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh cho mẹ và lây sang con (như viêm miệng, tưa lưỡi, tiêu chảy)…nhưng cần tắm bằng nước ấm mẹ nhé.
Chăm sóc vết mổ
Trong tuần đầu tiên, mẹ sẽ được hộ lý và bác sĩ sản khoa chăm sóc, vệ sinh giúp vết mổ. Việc sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa nên mẹ không cần phải lo lắng nếu như mẹ không dị ứng với các thành phần của thuốc. Các vết mổ đang trong quá trình lành gây đau đớn, kết hợp với tử cung đang co thắt để trở về trạng thái ban đầu có thể gây ra cảm giác choáng váng và kiệt sức.
Ở tuần thứ 2, nếu mẹ khâu bằng chỉ thường thay bác sĩ sẽ xem xét vết thương và cắt chỉ, nếu khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần. Thời gian này, mẹ nên lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Sau khi tắm xong, dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết thương hở không cần thiết phải băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch.
Mẹ có thể tự vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%. Lưu ý, tuyệt đối không nên thoa các loại thuốc kháng sinh, hay đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ, việc này có thể làm nhiễm trùng vết thương và làm cho mẹ đau rát đấy.
Tùy theo cơ địa của từng người mà vết thương sẽ lồi ít hay nhiều, mẹ có thể bôi thuốc liền sẹo để khắc phục tình trạng này, nhưng nhớ là bôi sau khi đã cắt chỉ được 1 tuần mẹ nhé.
1 tháng sau khi mổ
– Kiêng “chuyện ấy”: chị em nên kiêng “yêu” trong 4-5 tuần để tử cung có được hồi phục.
– Kiềm chế cảm xúc: tránh xúc động mạnh, ảnh hưởng đến tinh thần vì stress có thể gây nguy hại cho sức khoẻ và gây thiếu sữa.
– Không ăn no, ăn tanh: sau sinh mổ, ruột bị kích thích, dạ dày bị ức chế, sự hoạt động của ruột giảm. Do đó, việc ăn nhiều sẽ khiến tiêu hoá khó khăn, tích tụ lâu, dẫn tới táo bón và tăng thêm khí trong ruột, khiến bạn bị đầy hơi, không có lợi cho việc hồi phục sức khoẻ.
Mẹ nên tránh những món ăn có tính hàn như cua, rau đay… Không nên ăn quá sớm những thức ăn tanh như cá, ốc bởi chúng sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình đông máu, khiến vết thương lâu lành.
– Không làm việc sớm: sau một tháng, mẹ có thể hoạt động bình thường nhưng các cần tránh các hoạt động nặng. Người mẹ sau mổ đẻ cần hết sức giữ gìn để khôi phục sức khoẻ và vết thương chóng khỏi. Không nên làm các việc lặt vặt trong gia đình sớm, nhất là không được mang vác vật nặng, lên xuống cầu thang quá nhiều cũng không được tự lái xe, vì việc xử lý những tình huống bất ngờ gặp phải trên đường có thể gây những chấn động mạnh lên vết mổ.
2 tháng sau khi mổ
– Không nên vác nặng: không mang vác nhưng vật nặng hơn trọng lượng của em bé. Lúc này sản phụ có thể lên xuống cầu thang, tuy nhiên chỉ nên lên xuống 1 tầng.
– Rèn luyện cơ thể: có thể bắt đầu luyện tập với cơ chậu, mẹ thử tập co cơ âm đạo, đếm đến 10 rồi thả lỏng và tiếp tục lặp lại.
– Tránh vận động mạnh: trong vòng 2 tháng, mẹ sinh mổ nên tránh vận động mạnh để không ảnh hưởng đến vết thương, bởi sau sinh, các khớp giãn, cơ còn yếu, nhất là cơ vùng bụng vốn bị giãn rất nhiều.
Đề phòng những biến chứng hậu phẫu
– Sốt: đây là phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể sốt do mặc ấm quá mức, nằm than, thiếu nước. Mẹ chỉ cần uống nhiều nước, nếu mùa nóng nên mặc quần áo thoáng mát, có thể nằm điều hòa, nhưng không được nằm liên tục, phải tắt điều hòa vài lần và mở cửa cho phòng thông thoáng.
– Sản dịch: sản dịch xuất hiện là dấu hiệu cho thấy tử cung đang phục hồi tốt. Trong 3-4 ngày đầu sau sinh, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Nhưng cần lưu ý, nếu mẹ không thấy sản dịch hoặc sản dịch có mùi hôi, có màu đỏ tươi trở lại thì mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay vì rất có thể mẹ bị nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
– Vết mổ sưng đỏ, chảy dịch: vết mổ là vết thương hở do đó cần giữ khô thoáng và sạch sẽ, nếu vết mổ sưng đau hặc chảy dịch vàng, thì mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Singlemum tổng hợp