Người ta thường ví “đau như đau đẻ” để nói về mức độ đáng sợ của những cơn đau chuyển dạ. Tuy nhiên thực tế thì sau sinh người mẹ vẫn còn phải đối mặt với những cơn đau khủng khiếp hơn. Nếu bạn chuẩn bị sinh con, hãy sẵn sàng tinh thần để đối mặt với những cơn đau này.
Đau vết rạch tầng sinh môn/ vết mổ đẻ
Nếu bạn sinh thường thì hầu hết bà mẹ nào cũng phải đối mặt với nguy cơ rạch tầng sinh môn. Vết rạch này có thể kéo dài từ 1-5cm tùy từng người. Theo chia sẻ của các mẹ từng trải qua ca sinh thường thì khi bị rạch, do đang đau đẻ nên không cảm thấy quá đau đớn nhưng khi bác sĩ thực hiện việc khâu tươi vết rạch này thì vô cùng đau đớn. Thêm nữa, vết khâu này những ngày đầu sau sinh cũng làm mẹ “đứng ngồi không yên” khi không thể ngồi thẳng hay đi lại bình thường, đặc biệt là khi mẹ đi vệ sinh.
Với các mẹ đẻ mổ, dù không bị đau vết rạch nhưng lại phải đối mặt với cơn đau từ vết thương đẻ mổ kéo dài từ 10-15cm trên bụng. Vết rạch này sẽ khiến mẹ vô cùng đau đớn trong khoảng 1 tuần đầu sau sinh và đôi khi phải dùng đến các loại thuốc giảm đau mới có thể đi lại được.
Đau do viêm, tắc sữa
Viêm ngực hay nhiễm trùng ngực thường được biểu hiện bằng các dấu hiệu ban đầu như ngực sưng lên, sờ vào thấy đau, da mẩn đỏ, kèm theo các triệu chứng y như lúc mẹ bị cúm: sốt cao, nóng lạnh đau nhức, đau đầu và có thể bị nôn mửa. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là do sự ứ sữa, có thể do bé bú chưa đủ no ở mỗi cử bú hoặc do tư thế cho bé bú chưa đúng. Ngoài ra, viêm vú còn có thể là do núm vú bị nứt, vi khuẩn xâm nhập qua vết nứt của núm vú vào hệ thống bạch huyết. Viêm vú thường xảy ra vào vài tuần đầu sau sinh, khi mẹ đang học cách cho bé bú.
Khi có các biểu hiện bị viêm vú, chị em nên khám và điều trị ngay, có thể bác sĩ sẽ cho dùng khánh sinh và bệnh thường khỏi sau 1 – 2 ngày điều trị. Không cần hạn chế cho bé bú bên vú bị viêm vì bệnh này không ảnh hưởng gì đến bé. Và mặc dù có thể sẽ rất đau đớn khi bé “ti” núm vú bị nhiễm bệnh, nhưng cho bé bú là rất cần thiết để cải thiện tình trạng ứ sữa. Các mẹ có thể làm giảm đau đớn bằng cách đặt miếng gạc ấm lên ngực vài phút trước khi cho bé bú.
Đau do bị trĩ
Trong thời kỳ mang thai, nếu sản phụ mắc bệnh trĩ, sau khi sinh thường tình trạng sẽ xấu hơn. Vì lúc đẻ phải dùng sức rặn rất mạnh nên bệnh càng trầm trọng hơn.
Trĩ thường sưng đỏ sau khi đẻ 2 – 3 tuần, rất đau, vì sợ đau nên có buồn đại tiện cũng nhịn, dẫn tới bị táo bón, làm cho trĩ lại càng nặng hơn, hình thành vòng tuần hoàn ác tính. Ngoài điều trị dùng thuốc và thuốc mỡ mềm, sản phụ còn phải chú ý ăn uống, không để bị thành táo bón và không nên rời giường sớm.
Đau do co tử cung
Sau khi sinh, do tử cung bị căng ra trong quá trình mang thai nên sẽ co bóp để trở về trạng thái trước khi mang thai. Ngoài ra, do vẫn còn máu cục, sản dịch… nên thỉnh thoảng, tử cung có những cơn co bóp mạnh để loại các chất dư thừa ra ngoài. Chính điều này gây nên những cơn đau tử cung co sản phụ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng bị đau tử cung sau khi sinh và mức độ cũng khác nhau.
Ở người con so thường ít gặp vì lúc này, tử cung còn đàn hồi tốt và khỏe mạnh. Các cơn đau tử cung xảy ra thường xuyên hơn ở người con rạ, càng đẻ nhiều lần càng đau vì lúc này, cơ tử cung yếu dần, tử cung càng cần phải co bóp mạnh hơn những lần trước để đẩy máu cục và sản dịch ra ngoài. Các cơn đau tử cung đặc biệt cũng có thể gặp khi cho trẻ bú. Do khi đó, hormone oxytocin được giải phóng ra nhiều, gây kích thích và làm tăng tốc độ co thắt ở tử cung.
Các cơn cơ tử cung sẽ có cường độ mạnh nhất trong vòng 24 đến 48 giờ đầu tiên sau khi sinh và sẽ giảm dần trong vòng 2 – 3 ngày tiếp theo. Để hạn chế những đau đớn mà các cơn co bóp tử cung gây ra, sản phụ hãy cố gắng đi tiểu thường xuyên bởi nếu bàng quang căng, sẽ chiếm chỗ của tử cung làm tử cung khó co bóp. Điều này có thể gây ra đau đớn và chảy máu nhiều hơn. Ngoài ra, bạn có thể nhẹ nhàng massage bụng dưới hay áp dụng biện pháp thả lỏng giúp giảm đau sau khi sinh nở, hít thở nhẹ nhàng giúp tử cung co bóp.
Trong một số trường hợp sản phụ quá đau, các bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau. Tuy nhiên, nếu những cơn đau này không thuyên giảm sau một tuần, các mẹ nên xin ý kiến của các bác sĩ vì đó có thể đây là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Nguồn: sưu tầm