Ngứa, nhói đau vết mổ khi mang thai lần 2 là một hiện tượng thường gặp ở các mẹ bầu sinh mổ. Khi thai nhi lớn lên, tử cung phát triển kéo theo đó là sự giãn ra của vết mổ khiến mẹ cảm thấy nó bị nhói đau và ngứa ngáy. Trong trường hợp này, mẹ cần làm gì để đảm bảo an toàn cho thai nhi?
- Mang thai sớm sau sinh- Nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi
- Sinh mổ hay sinh thường: Cách nào bé sinh ra thông minh hơn?
- Cách theo dõi thai máy để nhận biết sức khỏe thai nhi
Hiện tượng đau vết mổ khi mang thai lần 2
Lúc sinh mổ, bác sĩ thường rạch một đường ở bụng dưới, ngang xương mu tạo thành một vết mổ kéo dài cả ở bên ngoài và bên trong tử cung. Khi mẹ mang thai lần 2, sự phát triển của thai nhi sẽ khiến tử cung lớn lên làm cho vết mổ bị giãn ra gây ra tình trạng ngứa ngáy, đau âm ỉ hoặc đau nhói nếu ấn tay vào.
Những mẹ bầu bị đau vết mổ cũ sẽ có nguy cơ bị xuất huyết, nứt vết mổ, nghiêm trọng hơn là bục vỡ tử cung do vết mổ giãn quá căng không chịu được sức ép từ thai nhi.
Ngoài một số mẹ bầu sinh mổ, những mẹ khác cũng bị nguy cơ tương tự nếu đã từng phẫu thuật trên tử cung do nạo phá thai, bị u xơ tử cung,…
Mẹ nên làm gì khi bị đau vết mổ
Khi bị đau, ngứa ngáy vết mổ, mẹ hãy tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa sản để khám. Bác sĩ sẽ xem xét tình hình thai nhi và vết mổ cũ để đưa ra những chỉ định phù hợp. Đây được coi là một hiện tượng khá hay gặp ở những mẹ đã từng sinh mổ nên mẹ không cần quá lo lắng. Thông thường, mẹ sẽ được nghỉ dưỡng ở nhà cho tới khi thai nhi phát triển đủ tháng.
Trong thời gian nghỉ dưỡng, mẹ cần đi khám thai đầy đủ, không nên gãi vết mổ vì dễ khiến nó tổn thương hơn và tuyệt đối không tự ý bôi bất kỳ loại thuốc nào lên vết mổ trước khi có hướng dẫn của bác sĩ nhé.
Mẹ chỉ cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng điều độ, tránh tăng cân quá nhiều. Có thể vận động nhẹ nhàng nhưng cần tránh các động tác gây ảnh hưởng cho vùng bụng như cúi gập người, với tay lên cao hay các môn thể thao mạnh như chạy, nhảy, …
Mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm thuốc hỗ trợ phổi cho thai nhi, đề phòng trường hợp sinh non, thai nhi có nguy cơ suy hô hấp khi chưa tự thở được. Tốt nhất, mẹ nên nhập viện trước ngày dự sinh 2 tuần để thực hiện các xét nghiệm đánh giá khả năng sinh thường hay phải tiếp tục sinh mổ.
Trong một số trường hợp, vết mổ có nguy cơ bục cao, mẹ có khả năng sẽ được chỉ định đẻ mổ luôn để tránh nguy cơ bị vỡ tử cung.
Những lưu ý dành cho mẹ mang thai lần 2
Nếu có thể, mẹ nên kiểm soát thời gian mang thai lần 2, tối thiểu là cách thời điểm sinh mổ 2 năm. Khi đó, vết mổ đã hồi phục hoàn toàn, tỷ lệ căng giãn hay gặp biến chứng sẽ ít gặp hơn.
Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu có thai, mẹ cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa sản để khám và kiểm tra thai nhi cũng như tình hình vết mổ. Tại đây, mẹ hãy cho bác sĩ biết các thông tin về thời gian sinh mổ, số ngày nằm viện, nguyên nhân sinh mổ hay những biến chứng mà mẹ gặp phải trong lần mang thai và sinh đẻ trước,… Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp mẹ chăm sóc thai nhi một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, mẹ cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng lịch trình khám thai của bác sĩ. Có như vậy, mẹ mới nắm được mức độ căng giãn của vết mổ. Từ đó, đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp trước khi vết mổ bục ra.
Một lưu ý nữa là mẹ nên thực hiện một chế độ kiểm soát cân nặng bằng dinh dưỡng và các bài tập thể dục. Tránh để bản thân mẹ tăng cân quá nhiều hoặc thai nhi quá to.
Nguồn: Sưu tầm