Medonthan – Có ít nhất 20% các bà mẹ bị táo bón sau sinh. Với một cơ thể chưa kịp phục hồi và những khó khăn khi mới làm quen với việc chăm con nhỏ, táo bón có vẻ không còn là chuyện nhỏ nữa. Làm sao để giải phóng bản thân khỏi vị khách không mời này?
- Thực đơn giúp mẹ sau sinh giảm cân nhanh nhưng sữa vẫn nhiều
- Bà đẻ nên kiêng gì để phòng tránh các bệnh hậu sản
- Chăm sóc vòng 1 đúng cách cho phụ nữ sau sinh
Trong suốt thai kỳ, lượng hormone progesterone tăng cao trong cơ thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón sau khi sinh. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của bạn cũng làm việc chậm lại trong quá trình chuyển dạ. Đồng thời, tác động của các loại thuốc giảm đau cũng trì hoãn việc đi ngoài của bạn. Táo bón cũng dễ xảy ra ở những mẹ phải sinh với dụng cụ hỗ trợ như forceps hay bị rách tầng sinh môn nhiều. Việc uống bổ sung viên sắt cũng góp phần không nhỏ trong việc làm tình trạng trở nên tệ hơn.
Thông thường, phải mất 2-3 ngày sau khi sinh thì bạn mới đi ngoài. Nỗi lo lắng tăng lên đối với các mẹ sinh thường. Liệu việc đi ngoài có khiến vùng kín đau đớn? Những vết chỉ khâu có bị đứt do mẹ quá gắng sức không? Thực ra, chính nỗi lo lắng này lại là chướng ngại vật lớn nhất. Tuy tầng sinh môn có ê ẩm một chút, việc đi ngoài sẽ giúp bạn đào thải lượng chất cặn bã đang tồn tại suốt mấy ngày trong cơ thể. Ngoài ra, tình trạng táo bón có thể gây áp lực lên vùng xương chậu, nên tốt nhất, bạn nên thoải mái để quá trình đào thải này diễn ra một cách tự nhiên.
1. Chú ý đến chế độ ăn uống
Các chị em nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ như rau và trái cây. Rau chân vịt, cần, mướp đắng, rau muống và các loại quả như: chuối, táo, lê, là những thực phẩm rất tốt cho phụ nữ sau sinh. Một điều cần chú ý là tuyệt đối không nên ăn chuối tiêu còn xanh bởi không những không có hiệu quả mà còn gây táo bón tệ hơn.
2. Tập thể dục sau khi sinh
Sau khi đã hết ở cữ, nếu nằm lỳ một chỗ trên giường, ít vận động thì bạn đã khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, càng dễ gây nguy cơ táo bón. Vì vậy, bạn nên tránh nằm bất động trong thời gian dài mà nên đi lại, vận động cơ thể và tập các bài thể dục phù hợp. Theo các bác sỹ sản khoa, hai ngày sau khi sinh, sản phụ đã có thể tự ngồi dậy và di chuyển khỏi giường của mình.
3. Uống nhiều nước
Do mất nhiều máu trong quá trình sinh con và cần tiếp tục bài thải sản dịch sau khi sinh nên sản phụ cần được bổ sung nhiều nước. Bạn nên uống nhiều nước đun sôi để nguội, nước muối nhạt, nước canh rau, sữa đậu nành và nước trái cây tươi.
4. Giữ tinh thần vui vẻ
Tâm trạng buồn bã, bi quan sẽ cản trở quá trình co bóp của dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Người nhà và bản thân sản phụ nên biết điều này để tránh các kích thích tinh thần không đáng có.
5. Thực hành bài tập Kegel
Một điều đáng ngạc nhiên là bài tập này giúp điều trị táo bón thành công đến 70%. Bạn có thể thực hành bài tập Kegel theo tư thế đứng hoặc nằm đều được và có thể bắt đầu ngay từ ngày thứ hai sau khi sinh con.
6. Nghỉ ngơi thư giãn
Kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe và thể lực tốt nhất.
7. Sử dụng thuốc hỗ trợ đại tiện
Nếu tất cả các biện pháp đã được áp dụng mà không tránh được chứng táo bón thì bạn nên sử dụng loại thuốc có tác dụng làm mềm phân để dễ đại tiện hơn. Nên xin chỉ dẫn cụ thể của bác sỹ khi dùng thuốc.
Medonthan tổng hợp
Bình luận bị đóng