Quá trình chuẩn bị mang thai, mang thai và cả sinh con đều khá khó khăn. Tuy nhiên, ngay cả sau khi em bé đã khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời thì cơ thể mẹ cũng cần được chú ý chăm sóc. Dưới đây là những điều cần lưu ý trong tuần đầu sau sinh.
- Mẹ bầu cần biết những dấu hiệu cho thấy thời điểm chào đón con yêu sắp đến
- Những cơn đau sau sinh còn đáng sợ hơn đau đẻ mẹ bầu nên biết
- 3 tháng cuối thai kỳ, bà bầu bị chuột rút thì nên làm thế nào?
Quan sát các dấu hiệu sinh tồn
Trong vòng hai giờ sau khi sinh, sản phụ cần được quan sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra nhịp tim, huyết áp, hô hấp, lượng sản dịch chảy ra cũng như quá trình co tử cung. Hai giờ đầu sau sinh là thời điểm sản phụ dễ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết, sản giật, thuyên tắc ối,… Trong 24 giờ đầu, sản phụ cũng nên được đo nhiệt độ thường xuyên. Do sữa về khiến ngực căng tức nên mẹ có thể sốt nhẹ nhưng thường không quá 38 độ C. Nếu sau một ngày mà mẹ vẫn sốt cao thì có khả năng bị viêm tắc sữa hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Co thắt tử cung
Sau khi sinh, tử cung sẽ co thắt để trở lại kích cỡ lúc trước khi mang thai. Trong trường hợp tử cung co bóp mạnh khiến vết mổ lấy thai hoặc vết rạch âm đạo nghiêm trọng thì cần báo ngay với bác sĩ. Thường thì sau khoảng 3 tuần tử cung sẽ co lại như trước khi mang thai. Để kích thích tử cung co bóp nhanh, sản phụ hoặc người nhà có thể thực hiện xoa bóp tử cung bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng, liên tục với một bàn tay vào phần bụng dưới của người phụ nữ.
Sản dịch
Ra sản dịch là điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh (kể cả đẻ mổ và sinh thường). Quá trình này thường kéo dài từ 2- 6 tuần. Trong 3 ngày đầu, sản dịch ra nhiều có màu đỏ tươi. Sau đó màu máu nhạt dần, có màu hồng nhạt, giống như dịch loãng. Tiếp theo từ 7- 10 ngày sau sinh, trong máu sinh có mang một lượng tế bào, niêm mạc nên có màu vàng nhạt và màu trắng còn gọi là máu sinh trắng. Thông thường trong vòng 20 ngày thì sản dịch sẽ ra hết. Nếu quan sát thấy sản dịch có màu lạ, kéo dài kèm mùi hôi thì sản phụ có thể đã bị bế sản dịch, cần liên hệ ngay với bác sĩ để xử lý kịp thời.
Vận động sau sinh
Sau khi sinh sản phụ chỉ cần nghỉ ngơi khoảng 6-7 tiếng, sau đó có thể xuống giường đi lại. Tuy nhiên, trong ba ngày đầu sau sinh, chị em chỉ nên vận động nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến vết rạch âm đạo hoặc vết mổ. Việc đi lại sớm giúp tử cung co lại nhanh, sản dịch ra nhanh hơn, sớm phục hồi chức năng tiết niệu, thúc đẩy sự hoạt động của hệ tiêu hóa làm tăng cảm giác thèm ăn, giảm tỷ lệ bị táo bón. Tuy nhiên, sản phụ không nên làm việc nặng nhọc hay ngồi xổm lâu để tránh bị sa tử cung.
Bên cạnh việc vận động thì chị em nên sắp xếp thời gian hợp lý để có thể ngủ đủ sau khi sinh. Theo các nhà khoa học, mẹ sau sinh nên được ngủ 8-9 tiếng một ngày vì giấc ngủ đủ sẽ có lợi cho việc điều tiết cảm xúc.
Chăm sóc vùng kín
Sau khi sinh, sản dịch sẽ ra nhiều nên chị em cần thay băng vệ sinh thường xuyên sau mỗi 3-4 giờ để tránh viêm nhiễm. Chỉ nên dùng nước ấm để vệ sinh vùng kín một cách nhẹ nhàng, không nên dùng nước muối hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ, trừ khi đó là dung dịch rửa vết khâu tầng sinh môn được bác sĩ chỉ định. Sau khi rửa, dùng khăn bông sạch để thấm khô, tuyệt đối không dùng khăn ướt hoặc giấy vệ sinh có mùi thơm để lau vì hóa chất trong các loại khăn này có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Bài tiết sau sinh
Sau khi sinh đặc biệt là sinh thường, sản phụ thường thấy khó đi tiểu vì bàng quang bị giãn và cảm giác sợ bị rát chỗ rạch. Để đi tiểu được, chị em có thể áp dụng các phương pháp sau đây: khoảng 4 – 6 tiếng sau khi sinh cần chủ động đi tiểu dù có cảm thấy buồn tiểu hay không; chườm vùng bụng dưới rốn bằng khăn ấm, xông hoặc “vùng kín” bằng nước ấm, nghe tiếng nước chảy để kích thích việc đi tiểu.
Nguồn: Sưu tầm