Singlemum – Danh sách thực phẩm ăn dặm theo độ tuổi của bé như thế nào? Bé không thể ăn hết tất cả các nhóm thực phẩm ăn dặm khi mới bắt đầu làm quen với các loại thức ăn. Mẹ đã biết các độ tuổi thích hợp để giới thiệu các loại thực phẩm khác nhau cho bé chưa?
- Bảo quản thực phẩm cho bé ăn dặm
- Công thức nấu thịt siêu ngon cho bé ăn dặm
- Cách nêm gia vị chuẩn vào thức ăn cho bé
Thực phẩm ăn dặm cho bé 4-6 tháng
Các nhóm thực phẩm dành cho giai đoạn bắt đầu ăn dặm bao gồm: sữa mẹ (và/hoặc) sữa công thức, rau củ, một số loại cá và thịt, ngũ cốc dinh dưỡng.
Cách chế biến:
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức: Cho bé bú mẹ trực tiếp kết hợp với uống sữa mẹ đã đươc vắt, bảo quản và rã đông đúng cách. Đối với sữa công thức, hãy pha theo đúng hướng dẫn trên hộp sữa.
- Rau củ: Các loại rau củ thích hợp cho bé ở giai đoạn khởi đầu ăn dặm có thể là cà chua, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, khoai tây, cải bó xôi… Mẹ nên nấu nhừ thực phẩm rồi nghiền thật nhuyễn, có thể cho thêm một ít nước để bé dễ nuốt.
- Thịt và cá: Thịt gà, thịt heo, thịt bò và các loại cá thịt trắng nên được đưa vào thực đơn của bé kể từ tháng thứ 6-7. Đối với các loại hải sản có vỏ, mẹ nên chờ thêm vài tháng nữa. Tương tự như rau củ, các loại thịt cá cần đươc xay nhuyễn hoàn toàn trước khi cho bé ăn.
- Ngũ cốc: Năng lượng từ các loại ngũ cốc chiếm phần lớn trong chế độ ăn của trẻ mới tập ăn dặm và trẻ nhỏ nói chung. Mẹ có thể cho bé thử cháo loãng, yến mạch hoặc bột ngũ cốc ăn liền. Nên cho bé ăn từ dạng nghiền nhuyễn rồi chuyển dần thành lợn cợn và đặc tùy theo khả năng thích ứng và nhai của bé.
- Lưu ý, không nêm gia vị như muối, đường vào thức ăn của các bé trong giai đoạn này.
Lượng thực phẩm ăn dặm bé cần
- Để bắt đầu, mẹ chỉ cần cho bé ăn 1 thìa rau củ nghiền hay ngũ cốc, cháo. Mẹ có thể pha 1 thìa ngũ cốc ăn liền với 4-5 muỗng sữa mẹ.
- Vài ngày trôi qua, hãy gia tăng lượng thức ăn lên thành 1 thìa ngũ cốc hòa 4-5 thìa sữa và 1 thìa rau củ nghiền.
- Từ tháng thứ 6 hoặc 7, mẹ có thể thêm vào khẩu phần của bé 1 thìa thịt, cá nghiền.
Thực phẩm ăn dặm cho bé 7 đến 12 tháng
Các loại thực phẩm thích hợp cho bé ở độ tuổi này đã được mở rộng ra rất nhiều: ngũ cốc, rau củ, trái cây, phô mai, sữa mẹ hoặc sữa công thức, đậu phụ, các loại đậu hạt, các loại thịt, cá…
Cách chế biến:
- Ngũ cốc: Ngoài cháo lợn cợn, bé cũng đã có thể ăn được các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, bắp được xay nhỏ và nấu nhừ. Mẹ nên chú ý đến khả năng nhai, nuốt của bé để điều chỉnh độ đặc thích hợp.
- Rau củ và trái cây: Ngoài những loại rau củ quen thuộc, bé đã có thể ăn các loại đậu hạt hầm nhừ và nghiền nhuyễn. Sang tháng thứ 7 trở đi, mẹ có thể thử thái rau củ thành các hạt nhỏ thay vì xay hay nghiền nhuyễn, tăng dần độ lớn của rau củ, trái cây tùy theo độ tuổi của bé. Đặc biệt, rau củ và trái cây có thể được thái thành từng thanh nhỏ, dày chừng 5mm để bé tập ăn bốc. Lưu ý, bé vẫn chưa có đầy đủ răng nên việc ăn thực phẩm nấu mềm vẫn tốt cho bé.
- Phô mai: Bé có thể ăn các loại phô mai tiệt trùng và phô mai mềm bằng cách trộn lẫn vào các loại thức ăn nghiền hay phết bánh mì mềm.
- Đậu phụ cũng là một gợi ý hay cho các bé ở lứa tuổi này. Mẹ có thể cắt đậu thành từng miếng mỏng, nhỏ cỡ hạt lựu để bé tập bốc và nhai.
- Các loại thịt, cá: Bé đã có thể nhai tốt hơn trước nên mẹ có thể xắt thịt to hơn trước. Lưu ý, thịt vẫn cần được nấu mềm. Mẹ cũng có thể trộn thịt cá xay nhuyễn vào các hỗn hợp cháo, bột khoai tây hay cơm nát và viên thành từng viên vừa với cỡ bàn tay để bé tập bốc.
Lượng thực phẩm ăn dặm bé cần:
- Ngũ cốc: Từ 3 đến 9 muỗng/ 3 lần ăn cho độ tuổi 7-8 tháng; 4 đến 9 muỗng/ 3 lần ăn cho độ tuổi từ 8 đến 12 tháng.
- Rau củ và trái cây: 2-3 muỗng canh/3 đến 4 lần ăn mỗi ngày trong tuổi 7-8 tháng, 10 thìa cho độ tuổi từ 8 – 12 tháng.
- Thịt và cá các loại: 3-4 muỗng canh/ ngày cho độ tuổi 7-12 tháng
- Phô mai: 1 viên/ phần ăn
- Sữa mẹ và sữa công thức cùng các sản phẩm từ sữa: Vẫn là những thực phẩm chính của bé. Tổng lượng sữa, sữa chua và phô mai bé dùng mỗi ngày từ 700 ml đến 1000 ml tùy theo nhu cầu cụ thể của từng bé.
Lưu ý, mật ong và sữa bò là 2 thực phẩm mà bé ở độ tuổi này nên tránh. Hệ tiêu hóa của bé chưa có đủ men để tiêu hóa sữa bò trước 1 tuổi. Ngoài ra, dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi có thể gây ngộ độc.
Singlemum tổng hợp