Singlemum – Tắm lá chè xanh cho trẻ sơ sinh là một trong những phương pháp dân gian mà ông bà ta truyền lại với công dụng làm dịu mát da bé, trị rôm sảy, hăm, ngứa. Tuy nhiên, nếu không tắm đúng cách, làn da nhạy cảm của trẻ sẽ bị ảnh hưởng không ít đấy..
- Có nên tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước dừa?
- Nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là phù hợp?
- Top các loại sữa tắm cho trẻ sơ sinh được các bà mẹ tin dùng
Những lưu ý khi tắm lá trà xanh cho trẻ sơ sinh
1) Để hạn chế ảnh hưởng của thuốc trừ sâu có trong lá tra, trước khi tắm cho trẻ, mẹ nên rửa sạch lá, vò lá trà xanh kĩ, tráng qua 1 lần nước sôi, đổ nước đó đi và tắm cho bé bằng nước thứ 2.
2) Trước khi tắm cho trẻ bằng lá trà xanh trong lần đầu tiên, mẹ nên kiểm tra xem thử da trẻ có bị dị ứng với loại nước này hay không bằng cách thấm một ít nước trà xanh lên da vùng cánh tay của bé, sau vài giờ, nếu như không thấy da bé bị nổi mẩn hay có màu đỏ thì mẹ có thể tắm cho bé bằng lá trà xanh. Ngược lại, nếu như bé bị dị ứng, mẹ không nên cố tắm cho bé đấy nhé.
3) Chỉ nên tắm nước trà xanh cho bé tối đa 2 lần/tuần, vì nếu tắm nhiều hơn, da trẻ có khả năng trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều đấy.
Những trường hợp trẻ không được tắm lá trà xanh
– Trẻ có tiền sử bị nhiễm trùng, mắc các bệnh về da.
– Lá cây vừa phun thuốc trừ sâu, hóa học. Da trẻ nhạy cảm nên bị ảnh hưởng nhanh hơn và nặng nề hơn.
– Trẻ sơ sinh đang bị các tổn thương về da như viêm da, sưng tấy, mủ hay trầy xước. Khi có vết xước, nếu tắm lá trà xanh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn hoặc rốn chưa lành hẳn thì không nên tắm lá trà xanh hoặc bất cứ loại lá nào khác vì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá trà xanh
– Nấu nước tắm: lấy 300g lá trà xanh, vò nát rồi cho vào nồi nước đun sôi, sau đó gạn lấy nước, pha vào chậu tắm ở nhiệt độ nước từ 30 – 38 độ C.
– Tắm cho bé theo trình tự bình thường, sau khi tắm mẹ cần tráng sơ người bé lại bằng nước sạch để rửa trôi lượng bột của lá có thể đọng trên da, gây nhiễm khuẩn.
– Sau khi tắm xong, mẹ lau khô người bé và thoa một lớp mỏng kem chống hăm trước khi đóng bỉm và mặc quần áo.
Một số loại nước lá có thể tắm cho trẻ sơ sinh
– Mướp đắng (khổ qua): Không chỉ là một món ăn khoái khẩu, mướp đắng còn có công dụng trị rôm sảy cho bé. Mẹ hãy lấy khoảng 2 quả đem giã nát rồi lọc lấy nước tắm cho bé. Sau một vài lần, làn da bé sẽ trở lên mát lạnh, mịn màng hơn.
– Gừng tươi: Đem gừng tươi giã nhỏ, rồi đun sôi với nước để tắm cho bé. Với cách này, mẹ chỉ cần tắm 3 ngày liên tiếp vào mỗi buổi sáng là bé hết rôm sảy.
– Lá khế: Đây là loại lá có thể tìm thấy dễ dàng. Nước tắm lá khế được làm bằng cách giã nát lá khế rồi lọc với nước hoặc đem đun sôi lên.
– Lá sài đất: Với công dụng kháng khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn cộng sinh có hại trên da bé, mẹ có thể lấy lá sài đất tươi nấu thành nước tắm cho bé để “đánh bay” rôm sảy nhé.
– Lá kinh giới: Lá kinh giới với tính chất sát khuẩn sẽ nhanh chóng cải thiện tình trạng rôm sảy của bé. Mẹ có thể lấy lá kinh giới tươi, đem giã nát, chắt lấy nước rồi pha thành nước tắm cho bé. Hoặc sử dụng lá kinh giới khô, đem đun sôi lên.
– Lá dâu tằm: Cũng là một trong những loại lá phổ biến. Để chế thành nước tắm cho bé, mẹ chỉ việc lấy một nắm lá dâu tằm, rửa sạch rồi đun sôi với nhiều nước. Đợi nguội vừa phải, đem bỏ lá, lấy luôn nước đó tắm cho bé.
Lưu ý: Trước khi nấu nước lá tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần rửa sạch sẽ các loại lá, ngâm qua nước muối. Tuy nhiên lại không nên thêm muối vào nước tắm khi đun. Bởi điều này không khiến da bé sạch hơn mà còn có thể làm cho da có cảm giác nhớp dính.
Singlemum tổng hợp