Singlemum – Nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là phù hợp? Một trong những yếu tố quan trọng khi mẹ tắm cho bé là cần đo được chính xác nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh để sức khỏe của bé không bị ảnh hưởng do nước quá nóng hoặc quá lạnh. Mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
- Có nên tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước dừa?
- Nên tắm cho trẻ sơ sinh bằng lá gì để trị rôm sẩy?
- Top các loại sữa tắm cho trẻ sơ sinh được các bà mẹ tin dùng
Thời điểm tắm cho bé
Mẹ nên chọn tắm cho con vào lúc có ánh nắng mặt trời và thuận tiện cho bố mẹ. Vào khoảng 10 – 11 giờ sáng, hoặc 3 – 4 giờ chiều là thời điểm thích hợp.
Tốt nhất, mẹ có thể rèn cho bé một thói quen theo trình tự: tắm – bé bú mẹ – ngủ. Vì thông thường, sau khi tắm xong, bé sẽ đói, ăn sẽ ngon miệng và ngủ sâu hơn.
Mẹ chỉ nên cho bé tắm từ 4 – 5 phút/lần tắm. Khi bé được ngoài 3 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé tắm đến 10 phút, để bé thỏa sức chơi đùa với nước.
Nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh là bao nhiêu?
Nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh hưởng trực tiếp tới làn da của bé. Nếu quá nóng, da bé có thể bị bỏng, còn lạnh quá lại dễ khiến bé bị cảm lạnh. Do đó, mẹ phải chắc chắn được nước tắm đủ ấm trước khi cho bé vào chậu.
Nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh thích hợp nhất là trong khoảng 37 – 38 độ C. Mẹ có thể kiểm tra nhiệt độ này bằng cách dùng khuỷu tay để thử, không nên thử bằng bàn tay vì cảm giác thường khó chính xác hơn.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại nhiệt kế dùng để đo nhiệt độ của nước. Các nhiệt kế cũng được thiết kế khá sáng tạo thành các hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu như: con vịt, con cá, quả bóng,… Mẹ có thể sắm một cái vừa để đo được nhiệt độ của nước, vừa có thêm một đồ chơi cho bé trong lúc tắm.
Mẹ lưu ý chỉ kiểm tra nhiệt độ của nước khi đã khuấy đều nước trong chậu và sau khi đã tắt vòi nước. Tránh trường hợp cho bé vào chậu tắm khi nước vẫn đang chảy sẽ làm nhiệt độ của nước tắm thay đổi.
Ngoài việc chú ý tới nhiệt độ nước tắm, mẹ cũng cần quan tâm tới nhiệt độ trong phòng. Hãy chọn nơi tắm cho trẻ sơ sinh là một phòng kín gió, có nhiệt độ phòng khoảng 28 – 30 độ C để khi đưa bé ra khỏi bồn tắm, cơ thể bé bị sốc nhiệt.
Độ sâu của nước tắm cho trẻ sơ sinh
Bên cạnh việc lưu ý nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ cũng cần quan tâm đến độ sâu của nước trong chậu đảm bảo không để bé cảm thấy lạnh và hở từ phần cổ trở lên. Đối với những bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên để mực nước trong chậu cao khoảng 13cm, đủ để toàn thân bé được ngâm vào nước và từ phần vai thì hở.
Còn những bé trên 6 tháng tuổi, mẹ hãy giữ mực nước cao tới eo khi bé ngồi trong chậu tắm. Mẹ nên nhớ chỉ xem xét độ sâu khi đã tắt vòi nước và kiểm tra nhiệt độ nhé.
Có nên tắm cho trẻ sơ sinh hàng ngày?
Mẹ nên tắm cho bé hàng ngày, nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng, da trẻ đổ nhiều mồ hôi nên dễ gây bít lỗ chân lông nếu không tắm rửa. Vào mùa đông hay những ngày thời tiết lạnh, mẹ có thể giãn cách khoảng 2 – 3 ngày tắm một lần. Tuy nhiên, những ngày không tắm, mẹ vẫn phải lau các bộ phận trên cơ thể bé, đặc biệt là những vùng da nếp gấp như cổ, nách, hay bộ phận sinh dục, hậu môn.
Mẹ nên áp dụng cách tắm cho trẻ sơ sinh vào ban ngày trước khi bé ngủ trưa hoặc tầm buổi chiều. Mẹ tuyệt đối không tắm khi bé đói bụng, bé sẽ quấy khóc khiến việc tắm rửa trở nên khó khăn hơn. Và cả lúc bé no cũng không nên tắm, do các động tác kì cọ có thể khiến trẻ bị nôn trớ.
Những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh
Mẹ có thể sử dụng sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh nhưng chỉ nên bắt đầu dùng khi bé đã được 4 – 6 tuần tuổi. Khi mua các sản phẩm này, mẹ cần xem kỹ thành phần để chắc chắn không ảnh hưởng tới làn da của bé nhé.
Sau khi kiểm tra nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh phù hợp, mẹ tuyệt đối không để bé ở lại một mình trong phòng tắm, dù chỉ là vài giây. Trẻ sơ sinh có thể bị chết đuối chỉ với mực nước 3cm. Do đó, hãy chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần sử dụng khi tắm để không phải “chạy đi chạy lại”. Nếu có người bấm chuông hoặc gọi điện thoại mà mẹ bắt buộc phải trả lời thì hãy quấn bé thật ấm vào khăn và bế bé theo cùng nhé.
Một lưu ý nữa là mẹ không nên dội nước trực tiếp lên đầu bé. Hãy để bé quen dần với nhiệt độ nước bằng cách tắm từ dưới lên trên, từ chân tới ngực.
Khi tắm, me hãy trò chuyện cùng bé để thu hút sự chú ý của bé, khiến bé không còn quẫy đạp, gây khó khăn cho những động tác của mẹ. Đó cũng chính là cách giúp gắn kết tình cảm giữa hai mẹ con.
Singlemum tổng hợp