Singlemum – Nếu mẹ đã tìm hiểu về ăn dặm kiểu Nhật Bản và muốn bắt đầu áp dụng cho bé, hãy làm theo các bước tuần tự dưới đây:
- Kinh nghiệm của mẹ từng áp dụng cả 3 phương pháp ăn dặm hot nhất
- Ăn dặm kiểu Nhật và các thắc mắc thường gặp
- Phương pháp ăn dặm do bé tự quyết định (BLW)
1. Thời điểm cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật
Thường bắt đầu khi con tròn 5 tháng tuổi, tức là ngày đầu tiên bước sang tháng thứ 6. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào thời điểm sinh con, nếu đẻ non từ 4 tuần trở lên thì thời điểm ăn dặm cộng thêm tháng. Bên cạnh đó, nếu trẻ chưa thực sự cứng cổ, vẫn gật gù và chưa tạm thời ngồi dựa vào ghế ăn được thì tuyệt đối không cho con ăn dặm vì bé dễ sặc, nghẹn… Nhìn chung, thời điểm phải căn cứ vào khả năng của con. Và tiêu chí chính xác nhất cần xác định là việc con tự giữ thẳng được cổ của mình, không bị “gật gù”.
2. Tuần tự các bước cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Tháng đầu: 1 bữa/ ngày
– 1 tuần đầu tiên:
+ 2 ngày đầu: mẹ nấu cháo trắng sau đó rây qua lưới lọc, theo lý thuyết là tỉ lệ 1 gạo : 10 nước, tuy nhiên tỷ lệ này không cần chính xác do nồi nấu khác nhau, giống gạo khác nhau. Chỉ cần xác định sau khi rây, thành phẩm mềm như sữa chua loãng là được.
+ Sau 2 ngày đầu: cháo bánh mì/bí đỏ/ bí xanh luộc/quả bơ/ chuối/ đậu phụ non… rây qua lưới cho nhuyễn…
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ hãy nghiễn nhuyễn cháo trắng rồi lọc qua rây để cháo thật mịn, con sẽ dễ nuốt mà không bị ọe do thức ăn “lợn cợn”. (Ảnh minh họa)
Tất cả đều phải rây qua lưới, không nêm nếm gia vị gì (cho đến khi bé được 9 tháng tuổi). Ăn liên tục 2-3 ngày/ 1 món để kiếm tra phản ứng của cơ thể trẻ, xem trẻ có dị ứng không. Lượng ăn tăng dần từ 1 thìa (5ml) đến 6 thìa (30ml).
Giai đoạn này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nên thức ăn ngoài chỉ mang tính chất cho bé làm quen với hương vị mới mà thôi.
Nhìn chung, thực phẩm để bắt đầu ăn dặm kiểu Nhật là cháo trắng, cháo bánh mì, rau củ lành: bí đỏ, bí xanh, cà rốt, chuối… 1 tuần đầu nên “đảo qua” tất cả các loại, mỗi loại 1 vài thìa trong vòng 2-3 ngày.
– Từ tuần 2 đến tuần 3, 4 có thể kết hợp cháo trắng + rau củ (vẫn nghiền qua lưới)
Ở giai đoạn này, các mẹ cần lưu ý nguyên tắc quan trọng: không nêm gia vị, không tuỳ tiện trộn lẫn các thức ăn mà nên để riêng để bé có thể cảm nhận được vị “nguyên thủy” của thức ăn.
Tiến độ ăn cháo ngọt (tức là cháo trắng với rau củ chứ không phải cháo nấu cho đường) có thể kéo dài hết tháng thứ 5 hoặc kết thúc sớm hơn tùy vào khả năng ăn của bé mà mẹ nhận thấy.
* Tháng thứ 2: (6 tháng tuổi với trẻ sinh đủ tháng): 1 bữa/ ngày
Mẹ bắt đầu tăng độ thô của cháo lên một chút. Cháo chuyển từ rây nhuyễn sang rây rối, rồi trộn lẫn cả phần trên lưới với phần dưới lưới. Sau đó là cháo gạo vỡ. Tiến độ thông thường là 6.5 tháng ăn cháo gạo vỡ.
Ăn dặm kiểu Nhật là giúp bé làm quen với mùi vị của các loại thực phẩm, nên hãy để riêng rau, cháo, cá thịt giúp bé cảm nhận được nhé. (Ảnh minh họa)
Rau củ thay vì nghiền qua lưới, giờ chỉ cần chọn phần ngọn non cắt nhỏ. Lưu ý tránh phần xơ.
Con đã ăn được đạm: cá thịt trắng (cá trắm, chép, quả, rô và 1 số loại cá biển…). Chọn cá thịt trắng vì nó ít cholesteron, dễ tiêu hoá. Ngoài ra có thể ăn ức gà, lườn gà/ đậu phụ/ lòng đỏ trứng…
Riêng với tôm, cua… vốn là những món dễ dị ứng, nên cần phải thử theo “nguyên tắc 3 ngày” giống như đã thử với cháo trắng, rau củ… ở giai đoạn trước. Nếu con không dị ứng thì mạnh dạn cho ăn, tuy nhiên nên ăn với lượng ít để bé có thể tiêu hóa được.
* Tháng thứ 3 – 4 (7 – 8 tháng tuổi với trẻ sinh đủ tháng): 2 bữa/ ngày
Mẹ căn cứ vào tiến độ ăn thô của con và nâng dần lên. Tiến độ chung của cháo là sau cháo hạt vỡ rồi đến cháo lẫn hạt vỡ hạt nguyên, cháo nguyên hạt và cuối cùng là cơm nát…
Với rau: luộc mềm, rây qua lưới rồi đến luộc mềm cắt nhỏ; luộc vừa cắt vừa…
Thịt: băm nhỏ, rây qua lưới rồi đến băm nhỏ, không qua lưới…
Cá: băm, rây qua lưới rồi đến băm, không qua lưới; cuối cùng là gỡ cá theo thớ…
Ăn dặm kiểu Nhật – đừng máy móc so sánh
Nếu trẻ xuất hiện nhu cầu muốn ăn bốc hoặc có biểu hiện muốn cùng mẹ tham gia vào bữa ăn như khua tay, giằng lấy thìa hoặc nhặt đồ vật lên nhai vì ngứa lợi,… mẹ có thể cho con 1 phần suất ăn để con bốc, kết hợp với mẹ xúc, về sau có thể cho bốc hoàn toàn. Tuyệt đối không ép, đè đầu, giữ chặt tay chân con…khi ăn.
Có thể thay cháo bằng nui, mì chũ… nếu con chán ăn.
* Sau giai đoạn này:
– Có thể nêm chút gia vị khi con 9 tháng (nêm thật nhạt). Khi 9 tháng thì nâng lên 3 bữa/ ngày nhưng không nhất thiết là cả 3 bữa cháo, có thể cho con ăn 1 bữa hoa quả/ sữa chua…
– Tiếp tục phát triển từ bốc thành thạo sang xúc thìa.
– Cháo, thịt, rau, củ dựa trên tiến độ cũ mà nâng dần độ thô.
– Trẻ vẫn cần có sữa, coi đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho đến khi tròn 1 tuổi.
– Khoảng 1,5 tuổi, trẻ có thể ăn cơm cùng bố mẹ hoặc nát hơn chút xíu là hoàn thành “nhiệm vụ”.
Singlemum tổng hợp