Singlemum – Chế biến thức ăn dặm đúng cách cho trẻ như thế nào? Hết 6 tháng đầu đời chỉ hoàn toàn bú sữa, bé bước vào giai đoạn ăn dặm. Những hướng dẫn sau đây sẽ hữu ích cho mẹ, để chế biến thức ăn dặm đủ dinh dưỡng và ngon lành cho bé.
- Ép bé ăn là điều nên tránh trong thực hành ăn dặm
- Mẹ lưu ý khi chọn thực phẩm cho bé mới ăn dặm
- Phương pháp hướng dẫn ăn dặm của người Nhật
1- Món ăn dặm của bé gồm những gì?
Một chén bột/cháo ăn dặm của bé 6 tháng tuổi trở đi cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
♥ Nguồn chất bột đường: Từ bột hoặc cháo.
♥ Nguồn đạm cho bé: Cá, thịt, trứng, tôm, cua, các loại đậu như đậu nành, đậu xanh… Mẹ ghi nhớ, với bé dưới 1 tuổi. Không nên sử dụng lòng trắng trứng, chỉ sử dụng lòng đỏ trứng thôi nhé!
♥ Nguồn chất béo: Mỡ động vật (mỡ cá, gà, heo…), dầu thực vật (dầu oliu, dầu đậu nành, dầu lạc, dầu mè, dầu hướng dương…)
♥ Nguồn vitamin và khoáng chất: Nằm trong rau, củ, quả. Ưu tiên những rau củ quả mềm, dễ tiêu hóa như: Khoai lang, chuối, đu đủ, rau mồng tơi, rau dền, cải ngọt, bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt…
Trong giai đoạn tháng 6-7, bé chỉ mới làm quen với việc ăn dặm. Do đó, yêu cầu lúc này là cho bé thử được nhiều món, đa dạng để hệ tiêu hóa của bé thích nghi dần, chứ chưa đặt nặng việc thức ăn dặm phải bổ sung đủ dưỡng chất cho bé ra sao. Nguồn dưỡng chất chính yếu cung cấp cho bé lúc này vẫn là từ sữa. Từ tháng thứ 8 trở đi, thức ăn dặm mới thật sự chi phối nhiều vào chế độ dinh dưỡng của bé.
2- Một số lưu ý khi chế biến thức ăn dặm cho bé
♥ Trừ vài tuần đầu tiên có thể sử dụng bột ăn dặm với công thức sẵn có để cho bé tập làm quen, khi thấy bé đã tiêu hóa tốt và quen với việc ăn dặm, mẹ nên nhanh chóng chuyển sang thức ăn tươi sống tự chế biến cho bé. Việc này giúp bé làm quen với nhiều món ăn phong phú, ít kén ăn.
♥ Không nên sử dụng gia vị, nước mắm để chế biến thức ăn cho bé ở tuổi này. Vị giác của người lớn khác với trẻ nhỏ. Vì vậy, mẹ đừng sợ bé “nhạt miệng” (lạt). Bé 6-12 tháng hoàn toàn chưa cần thêm muối, nước mắm, bột nêm… gì trong món ăn cả.
♥ Ưu tiên dùng dao thớt để băm nhuyễn nguyên liệu, thay vì cho vào máy sinh tố để xay. Sau vài tuần đầu cho bé làm quen với thức ăn “nhuyễn nhừ”, mẹ nên tập dần cho bé ăn thức ăn với nguyên liệu mềm được băm nhuyễn, để tạo phản xạ nhai cho trẻ thay vì chỉ nuốt.
♥ Rau củ nên chờ khi bột/cháo chín mới cho vào, sôi lên là tắt bếp. Không nên cho quá sớm sẽ mất vitamin. Những loại dầu như dầu ô-liu (olive) dành cho trẻ nhỏ nên cho vào sau cùng, khi vừa tắt bếp. Không nên cho dầu vào khi món ăn vẫn đang nấu sôi lâu trên bếp, vì các vi chất trong dầu sẽ mất đi.
♥ Bé dưới 1 tuổi, nếu là rau thì chỉ dùng phần lá, tránh dùng phần cuống (trừ khi băm nhuyễn).
♥ Công thức cho bé ăn dặm theo nguyên tắc: Từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Trong giai đoạn bé mới bắt đầu ăn dặm, mỗi bữa mẹ chỉ nên sử dụng ít nguyên liệu đơn lẻ, để có thể quan sát và nhận biết ngay nếu bé bị dị ứng với một nguyên liệu nào đó.
3- Những sai lầm mẹ dễ mắc phải khi chế biến thức ăn dặm
♥ Quá ưu tiên đạm:
Nhiều mẹ nấu bột cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng… và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều lại làm bé dễ rối loạn tiêu hóa. Cần biết rằng lượng đạm chính yếu cung cấp cho bé lúc này vẫn là từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Mẹ không cần ép bé ăn thêm thịt, cá, trứng quá nhiều trong giai đoạn đầu ăn dặm nhé!
♥ Chỉ cho ăn nước, không ăn cái:
Dù bác sĩ nhắc rất nhiều lần, nhưng nhiều mẹ vẫn giữ thói quen ninh xương, nghiền rau, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi. Thật ra, các chất dinh dưỡng, vitamin nằm trong phần xác thực phẩm là chính. Bên cạnh đó, việc cứ xay nhuyễn hoặc cho con ăn toàn nước bỏ cái sẽ làm bé “quên” luôn phản xạ nhai.
♥ Cứ nghĩ dầu mỡ sẽ “hại”:
Thời hiện đại, khi quá nhiều người lớn mắc các bệnh về thừa cân, béo phì, thừa cholesterol, tim mạch…, một số mẹ dễ bị “ám ảnh” rằng dầu mỡ có hại, từ đó “kiêng” luôn cho con mình. Thực tế, trẻ nhỏ cần lượng chất béo rất nhiều để phát triển trí não, thể chất. Chất béo này có trong sữa, mỡ động vật (mỡ cá, mỡ heo, mỡ gà…), dầu thực vật các loại. Nên cho trẻ ăn đủ cả dầu thực vật lẫn mỡ động vật theo đúng lượng quy định. Không nên vì mẹ ngán ngại mỡ heo, chỉ ăn toàn nạc nên cho trẻ cũng ăn như vậy, sẽ thiếu chất béo ở con.
♥ Cái gì cũng xay và nghiền nhuyễn:
Sợ con bị hóc nên nhiều bé đến 9-10 tháng tuổi vẫn chỉ biết “nuốt trọng” tất cả những thực phẩm đã xay nhuyễn nhừ của mẹ. Lưu ý rằng, việc nghiền nhuyễn, xay nhuyễn này sẽ khiến bé không được học nhai, không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến dễ biếng ăn và hệ tiêu hóa không phát triển hoàn thiện. Do đó, khi đi học nhà trẻ, chỉ cần ăn thức ăn lợn cợn là bé nôn ngay.
Cách làm đúng: Trừ vài tuần lễ đầu tiên cho bé ăn bột nhuyễn để làm quen, mẹ nên băm nhuyễn thay vì xay,
sau đó tăng dần kích thức của nguyên liệu lên. Những loại thực phẩm cực mềm như khoai lang, đu đủ, chuối, có
thể dằm (nhưng vẫn để thành nguyên từng miếng bé xíu) cho bé tự bốc, tự tập nhai dần.
♥ Nấu một nồi rồi hâm đi hâm lại:
Nhiều mẹ do không có thời gian, hay có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào lại lấy ra hâm lại. Với cách này, bé không chỉ rất ngán vì món ăn lặp đi lặp lại, mà rau củ cũng giảm chất lượng, mất vitamin sau những lần hâm.
Cách làm đúng: Mẹ chỉ nấu một nồi cháo không và để sẵn nhiều loại nguyên liệu như thịt cá, rau củ riêng biệt. Đến mỗi bữa, để tiết kiệm thời gian, mẹ có thể múc lượng cháo vừa đủ ra, cho lên bếp nấu, sau đó mới cho nguyên liệu thịt cá, rau củ vào. Mỗi bát cháo của bé sẽ có vị khác biệt và tươi ngon, kích thích bé ăn ngon miệng.
Với bé ở giai đoạn ăn dặm 6-12 tháng, mẹ nên tránh chế biến món ăn theo cách chiên rán. Cách chế biến phù hợp với bé là hấp vì sẽ giữ được nhiều vi chất trong món ăn, thực phẩm mềm và có màu sắc đẹp mắt, kích thích bé ăn. Ngoài ra, mẹ có thể luộc hoặc hầm, nấu các món canh cho bé
Mẹ ghi nhớ
Ngoài chế độ ăn dặm, mẹ vẫn cần cung cấp cho bé từ 600-800ml sữa một ngày. Hãy thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều dài của bé để biết sự phát triển của con bạn nhé.
Singlemum tổng hợp