Singlemum – Vỡ tử cung khi mang thai là một trong những tai biến sản khoa. Trong 3 tháng cuối thai kỳ và quá trình chuyển dạ, mẹ bầu dường như phải đối diện với rất nhiều các biến chứng nguy hiểm nếu không biết cách phòng tránh và ngăn ngừa. Ngay khi phát hiện dấu hiệu cho thấy mình có nguy cơ vỡ tử cung, việc xử lý kịp thời có thể giúp đảm bảo an toàn tính mạng cho cả mẹ lẫn con.
- Các triệu chứng có thai ngoài tử cung mẹ cần biết
- Những bước thay đổi của cổ tử cung trong chuyển dạ và sinh nở
- Một số dấu hiệu các mẹ cần biết khi chuyển dạ, hay sắp sinh
1. Nguyên nhân gây vỡ tử cung
Nói đến nguyên nhân gây vỡ tử cung, không thể đổ lỗi cho mình mẹ bầu, mà nguyên nhân đó cũng có thể là từ con. Nguyên nhân từ mẹ có thể là:
– Do mẹ có khung chậu hẹp, làm đầu thai nhi không thể chui lọt ra ngoài.
– Do mẹ có khối u ở đoạn dưới cổ tử cung, ở cổ tử cung, làm chặn đường ra của thai nhi.
– Tử cung mỏng, dễ bị tác động bởi các cơn co do mẹ sinh nở nhiều lần.
– Vết mổ cũ ở tử cung còn mỏng manh, yếu ớt, rất dễ bị toác do các cơn co tử cung tác động.
Nguyên nhân từ thai nhi:
– Thai nhi quá to, không chui lọt qua khung chậu dù khung chậu mẹ bình thường.
– Thai nhi có đầu quá to, không chui lọt qua khung chậu.
– Thai nhi tư thế bất thường như nằm ngang, không cúi đầu cũng không ngửa mặt, thai đưa mặt ra trước nhưng cằm lại quay về phía xương cùng của mẹ…
Bên cạnh đó, khi bác sĩ thực hiện các thủ thuật như kéo thai, xoay thai, dùng forcep trong điều kiện không thuận lợi, nguy cơ vỡ tử cung cũng rất cao.
2. Dấu hiệu vỡ tử cung cần lưu ý
Không chỉ phát sinh trong quá trình chuyển dạ, hiện tượng vỡ tử cung có thể xảy ra vào các tháng cuối thau kỳ, đặc biệt đối với trường hợp mẹ bầu có vết sẹo mổ cũ ở tử cung bị nhiễm khuẩn, không chịu nổi các cơn co. Mẹ bầu ở tam cá nguyệt cuối cùng nên để ý các dấu hiệu dọa vỡ tử cung sau:
– Các cơ co tử cung nhanh và mạnh hơn làm bạn đau đớn.
– Đáy tử cung có dấu hiệu cao dần lên so với rốn.
– Ở dưới rốn, tử cung có chỗ bị thắt lại như hình quả bầu. Vòng thắt này càng về cuối thai kỳ càng rõ rệt. Đây chính là ranh giới giữa nhân tử cung và đoạn dưới tử cung.
Nếu phát hiện quá muộn, nguy cơ bà bầu bị vỡ tử cung là rất cao. Đây là những dấu hiệu cho thấy tử cung đã vỡ:
– Cơn co tử cung càng lúc càng dồn dập, tạo cảm giác đau dữ dội, sau đó đột ngột giảm đau. Khi tử cung vỡ, cơn co mất hẳn hoặc chỉ còn rất nhẹ. Lúc này, có thể sờ thấy thai nhi dưới da bụng mẹ, tim thai mất hoặc đập rất yếu.
– Tử cung vỡ làm máu chảy ồ ạt vào ổ bụng, mẹ bầu sẽ cảm thấy choáng, hơi thở nông, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh, huyết áp tụt nhanh,… Nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
3. Phòng ngừa vỡ tử cung khi mang thai
– Không bỏ qua bất cứ buổi khám thai định kỳ nào, đặc biệt là các buổi khám vào những tuần cuối thai kỳ.
– Nếu đã từng gặp các bất thường về tử cung, nên đi thăm khám theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa tai nạn phát sinh.
– Trường hợp mẹ được chẩn đoán có khung chậu hẹp nên chọn sinh ở bệnh viện tuyến trên để được can thiệt kịp thời và đúng cách nhất, đồng thời cấp cứu kịp khi cần thiết.
– Không nên sinh con quá gần nhau bởi rất dễ làm nhão cổ tử cung, gây dễ vỡ. Nhất là các mẹ sinh mổ nên thư thư thời gian ít nhất là 2-3 năm mới nên mang thai lại.
Singlemum tổng hợp