Singlemum – Mệt mỏi khi mang thai và giải pháp dinh dưỡng nào cho mẹ? Mang thai là điều kỳ diệu và hạnh phúc mà mỗi người mẹ sẽ có những trải nghiệm riêng. Tuy nhiên, một số vấn đề về dinh dưỡng trong quá trình mang thai có thể sẽ làm người mẹ mệt mỏi. Dưới đây là những mối ảnh hưởng thường gặp khi mang thai và các giải pháp tích cực giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Thèm ăn
Dù không ai biết chính xác nguyên nhân, rất nhiều các mẹ bầu trải qua tình trạng thèm ăn liên tục, thậm chí là những món khác với khẩu vị thường ngày, có thể là dưa hấu, sô cô la hoặc kem.
Mẹ nên đối phó với cơn thèm ăn này thế nào?
– Đừng quá lo lắng – đó là biểu hiện bình thường khi mẹ mang thai.
– Giữ khẩu phần ăn vừa phải và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Ốm nghén
Cảm giác chóng mặt buồn nôn là tình trạng rất phổ biến ở các bà mẹ mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Nguyên nhân gây ra ốm nghén vẫn chưa được hiểu rõ, có thể do sự thay đổi hoóc-môn hoặc do hạ đường huyết trong những tháng đầu thai kỳ. Tình trạng này thường xảy ra vào buổi sáng sớm tuy nhiên nó cũng có thể ập đến bất cứ lúc nào trong ngày.
Mẹ có thể kiểm soát ốm nghén bằng cách nào?
– Chia bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ.
– Dùng thực phẩm giàu dinh dưỡng với lượng nhỏ bằng một bữa phụ.
– Khứu giác của mẹ trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai, vì thế hãy tránh những tác nhân kích thích như các món ăn có mùi đậm, nước hoa hay khói thuốc.
– Chọn những món có vị dịu nhẹ thay vì vị cay nồng, bên cạnh đó mẹ nên ăn thêm một món nhẹ trước khi ngủ và khi thức giấc như bánh mì nướng hoặc bánh quy mặn.
– Uống viên đa vi chất trong hoặc sau bữa ăn
– Nếu mẹ bị nôn trầm trọng, nên đến gặp bác sĩ.
Táo bón
Các hoóc-môn thai kỳ làm giãn các cơ ruột và làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa.
Trọng lượng của bé yêu cũng tạo ra áp lực lên ruột của mẹ và khiến quá trình này càng chậm thêm.
Những bí quyết đơn giản dưới đây sẽ giúp mẹ phòng ngừa táo bón:
– Uống nhiều chất lỏng bao gồm nước, các loại trà đã được khử caffeine, nước ép mận, sữa và các loại súp. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên các loại rau chứa nhiều nước như cần tây, các loại dâu và dưa hấu nhé.
– Ăn thêm thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, dưa hấu và ngũ cốc nguyên cám.
– Vận động nhiều, đi bộ thường xuyên sẽ giúp thức ăn di chuyển trong ruột dễ dàng hơn.
Sưng (phù) mắt cá chân
Sưng (phù) mắt cá chân là một biểu hiện thường gặp trong thai kỳ. Cơ thể sẽ tích lũy nhiều chất lỏng cho cả mẹ và bé yêu. Sự thay đổi hoóc-môn cũng góp phần tạo ra tình trạng sưng phù. Mắt cá chân thường sưng to hơn vào buổi tối, nhất là khi mẹ đã đứng cả ngày.
Điều này hẳn khiến mẹ thấy thật khó chịu, vậy có bí quyết nào giúp mẹ giảm sưng chân?
– Uống nhiều nước
– Gác chân lên cao bất cứ khi nào có thể
– Không mang giày chật
– Nếu mẹ lo lắng hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhé.
Ợ nóng
Cảm giác nóng rát ở giữa ngực được gọi là ợ nóng thường xảy ra trong thai kỳ, do trọng lượng của bé đang tạo sức ép lên dạ dày và ruột. Axit dạ dày bị đẩy vào thực quản và cơ trên thực quản bị giãn ra, tạo cảm giác nóng khó chịu mà người ta thường gọi là ợ nóng.
Tình trạng ợ nóng xảy ra chắc hẳn khiến mẹ vô cùng khó chịu. Hãy thử xem những thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp mẹ thoát khỏi chứng ợ nóng không nhé!
– Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, nhai và nuốt một cách chậm rãi.
– Tránh những món cay và nhiều dầu mỡ.
– Cố gắng chờ hết 1 giờ sau bữa ăn rồi mới ngả lưng.
Lưu ý, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mẹ định sử dụng bất kỳ một loại thuốc kháng axít nào vì đa số chúng đều chứa nhiều natri.
Ăn chay khi mang thai
Ăn chay hay ăn chay trường đều an toàn khi mang thai nếu mẹ xây dựng một chế độ ăn giàu protein có đủ các loại ngũ cốc nguyên cám, rau cùng các chất béo có lợi.
Ngoài ra mẹ bầu ăn chay cần chú ý thực hiện những theo lời khuyên nhỏ sau nhé:
– Hãy hỏi bác sĩ về việc dùng sản phẩm bổ sung vitamin bao gồm vitamin B12, vitamin D, axít Folic, Sắt, Canxi và Kẽm để tăng cường bổ sung những dưỡng chất có thể bị thiếu hụt trong chế độ ăn chay.
– Nên thông báo với bác sĩ nếu mẹ đang ăn chay hoặc có dự định chuyển sang ăn chay trường
Trường hợp kiêng thực phẩm từ sữa
Nếu mẹ không muốn ăn các sản phẩm từ sữa, đừng lo, vì mẹ vẫn có thể đảm bảo được lượng canxi!
Thử cân nhắc các lựa chọn dưới đây nhé:
– Chọn các sản phẩm tăng cường canxi như nước cam, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân và ngũ cốc -những nguồn cung cấp canxi thay thế sữa.
– Dùng thêm sản phẩm sung canxi. Vì canxi từ các nguồn trên không dễ hấp thụ vào cơ thể như canxi trong sữa, nên mẹ sẽ cần thêm canxi từ các sản phẩm bổ sung đấy.
– Đồng thời, hãy tìm thêm các sản phẩm bổ sung vitamin D nữa mẹ nhé. Trong sữa có rất nhiều Vitamin D. Nếu mẹ không uống sữa và cũng không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì nên tìm nguồn bổ sung vitamin D khác.
Cao huyết áp
Cao huyết áp khi mang thai cần được theo dõi bởi các bác sỹ và nhân viên y tế. Mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Cố gắng giữ mức tăng cân hợp lý.
– Duy trì lối sống năng động.
– Tất nhiên, tránh xa thuốc lá và rượu bia.
– Thông báo với bác sĩ nếu mẹ đang dùng thuốc không kê toa.
Đái tháo đường thai kỳ
Nếu mắc đái tháo đường thai kỳ, mẹ hãy luôn tuân theo sự hướng dẫn của bác sỹ nhé. Khoa học vẫn chưa kết luận nguyên nhân của tình trạng này, nhưng có vẻ như các hoóc-môn thai kỳ đã can thiệp đến insulin của mẹ. Nó gây ra sự mất cân bằng insulin trong thai nhi, kết quả là mức đường (glucose) trong máu cao. Những bé được sinh ra với tình trạng mất cân bằng insulin có thể đối mặt với nguy cơ rất cao của bệnh béo phì và đái tháo đường về sau. Các bước điều trị cho đái tháo đường thai kỳ tập trung vào mục tiêu duy trì lượng đường huyết gần bằng với đường huyết của những thai phụ không mắc bệnh. Một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị là chế độ ăn đặc biệt cùng với lịch luyện tập thể chất hợp lý.
Lời khuyên đúng dành cho mẹ là: hãy nhờ bác sĩ giới thiệu một chuyên viên tư vấn dinh dưỡng phù hợp. Một chuyên viên chuyên về đái tháo đường thai kỳ có thể thiết kế các thực đơn và hướng dẫn mẹ cách để khống chế tình trạng này.
Song sinh và đa thai
Những mẹ mang song thai hoặc đa thai cần nhiều năng lượng (calories) hơn. Để biết được nhu cầu về năng lượng (calorie) và dinh dưỡng, mẹ hãy hỏi ý kiến của bác sỹ hay nhân viên y tế bởi nhu cầu năng lượng (calorie) của mẹ sẽ khác nếu mẹ thừa hay thiếu cân ở đầu thai kỳ.
Chuột rút
Chuột rút thường xảy ra ban đêm và cũng là một trong những biểu hiện không mong muốn của thai kỳ. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn trong tam cá nguyệt thứ ba và liên quan trực tiếp đến trọng lượng của mẹ.
Dưới đây là những bí quyết hay cho mẹ tham khảo:
– Duỗi bắp chân và gập bàn chân lên.
– Bổ sung đủ canxi. Không chỉ tốt cho xương, canxi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc co cơ. Nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể sẽ khuyến khích mẹ dùng sản phẩm bổ sung canxi để giúp thư giãn các cơ bắp. Những sản phẩm này cũng thường chứa cả Magiê, một khoáng chất giúp cân bằng canxi, nhờ đó mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Mẹ có thể trải qua một vài vấn đề trên trong thai kỳ của mình hoặc không gặp phải trở ngại nào cả. Nhưng hãy nhớ rằng hầu hết các vấn đề đều có thể kiểm soát được – có rất nhiều cách giúp mẹ khỏe mạnh và thoải mái hơn. Mẹ hãy nhớ tuân theo lời khuyên của bác sỹ nhé, họ là những người nắm rõ nhất về cơ thể mẹ và thai kỳ của mẹ đấy!
Singlemum tổng hợp