Medonthan – Ở từng giai đoạn của thai kỳ, sự phát triển của thai nhi sẽ được đánh dấu bởi những cột mốc phát triển khác nhau, và cũng vì vậy mà nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ bầu cũng thay đổi theo. Mẹ bầu nên ăn gì và ăn như thế nào để con phát triển tối đa?
- Mách mẹ bầu cách tính ngày dự sinh chuẩn cho bé
- 8 loại vitamin cho bà bầu bổ sung trong thai kỳ không thể thiếu
- Bà bầu ăn gì để con thông minh
Vào khoảng 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, thai nhi trong bụng mẹ còn rất nhỏ, thậm chí nhiều mẹ bầu còn không nhận thấy sự có mặt của con. Cho đến ngày cuối cùng của tháng thứ 3, em bé trong bụng mẹ chỉ “cao” khoảng 5,4 cm và nặng gần 14 g.
Tuy khá nhỏ nhắn, nhưng sự phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 1 đã có nhiều bước tiến vượt bậc, và nhu cầu dinh dưỡng cũng bắt đầu tăng mạnh.
- Ở tuần thứ 5-6 của thai kỳ, thận, gan và tim của bé đã có những “bước đi” đầu tiên, và nhu cầu dinh dưỡng cũng bắt đầu cần thiết. Để sự phát triển của thai nhi trong tuần này đạt sự phát triển tối đa, bầu nên tăng cường bổ sung protein cho cơ thể thông qua những nguồn protein phong phú như: thịt, trứng, sữa, các loại đậu…
- Sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ 7 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của hai bán cầu não. Chính vì vậy, nhu cầu về chất béo của thai nhi trong tuần này đặc biệt tăng mạnh. Thêm 2 bữa cá một tuần và chọn các loại hạt lành mạnh như hướng dương, óc chó, hạnh nhân, đậu phộng… cho những lúc mẹ bầu buồn miệng!
- Càng về những tuần cuối của tam cá nguyệt thứ nhất, sự phát triển cơ bắp, cánh tay, chân và bộ phận sinh dục của thai càng phát triển mạnh. Và trong giai đoạn này, mẹ bầu đừng bỏ qua ma-giê, một trong những khoáng chất cần thiết cho sự phát triển cơ bắp.
Với hầu hết mẹ bầu, 3 tháng giữa thai kỳ được xem là khoảng thời gian dễ chịu nhất. Bởi trong giai đoạn này, mẹ bầu đã quen dần với những thay đổi của cơ thể, và những tác dụng phụ như ốm nghén, mệt mỏi… cũng gần như chấm dứt hẳn.
Cùng với sự tăng cân rõ rệt của mẹ bầu trong giai đoạn này, sự phát triển của thai cũng đạt bước tăng trưởng thần tốc. Tuy không chuẩn đến từng mili-mét hay từng gram cân nặng, nhưng nhìn chung, vào cuối tam cá nguyệt thứ hai, từ đỉnh đầu đến gót chân của bé cơ thể dài 30cm, và nặng khoảng 600 g, tương đương với một trái bắp.
Ở tuần thứ 19 của thai kỳ, hệ xương của thai nhi bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ. Trong khi trước đây, bé phải mất khoảng 17 tuần để có thể “cao” thêm 13 cm, thì giờ đây, chỉ trong 4 tuần con đã có thể đạt chuẩn này. Để hệ xương, răng của con có thể phát triển tối đa, bắt đầu từ bây giờ cho đến cuối thai kỳ, mẹ bầu nên đặc biệt tăng cường thêm những thực phẩm giàu can-xi cho khẩu phần mỗi ngày của mình. Hải sản, trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa… là những lựa chọn tối ưu cho mẹ.
Ngoài ra, tam cá nguyệt thứ 2 cũng là thời điểm não của thai nhi bắt đầu phân chia từng khu vực cho các giác quan phát triển, đặc biệt là sự phát triển của thị giác. Tại thời điểm này, không chỉ có thể mở mắt, việc chớp mắt đối với bé cũng không phải là một vấn đề quá khó khăn nữa. Bé có thể cảm nhận nếu mẹ đứng dưới ánh sáng mặt trời hay như khi có một tia sáng mạnh quét qua người mẹ.
Vì vậy, để đáp ứng cho sự phát triển thị giác của thai nhi, bổ sung vitamin A là một điều cần thiết. Theo khuyến cáo, mẹ bầu chỉ nên bổ sung khoảng 770 mcg RAE, tương đương 2,565 IU vitamin A mỗi ngày là đủ.
Được xem là giai đoạn tăng cân nhanh nhất của cả mẹ và bé, phần lớn những gì mẹ bầu ăn trong giai đoạn này sẽ được “chuyển nhượng” hoàn toàn sang cho bé. Cùng với sự tăng trưởng cả về kích thước và cân nặng của thai nhi, bụng bầu của mẹ cũng sẽ to hơn rất nhiều. Về cơ bản, sự phát triển của thai nhi vào những tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ 3 gần như đã hoàn chỉnh, và bé hoàn toàn có khả năng “ra riêng” vào tuần thứ 38-40 của thai kỳ.
Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu trong giai đoạn này nên tập trung bổ sung đủ 4 nhóm cơ bản, đặc biệt tăng cường bổ sung choline, vitamin D, canxi. Bởi trong giai đoạn này, hệ thần kinh, hệ xương của thai nhi đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và hoàn thiện.
Medonthan (Tổng hợp)