Medonthan – Khi mang thai nên ăn gì? Mẹ bầu thường bị tăng thân nhiệt gây cảm giác nóng trong người. Đặc biệt, trong mùa hè này, cảm giác khó chịu do tăng thân nhiệt sẽ càng tăng lên. Mẹ bầu hãy tìm hiểu và áp dụng các biện pháp dưới đây để giải nhiệt cho cơ thể nhé.
- Mới có thai nên ăn gì cho đúng
- Bà bầu nên kiêng gì khi mang thai?
- Có thai không nên ăn gì để tốt cho thai nhi?
1. Súp
Bát súp nóng hổi, vừa ngon mà lại chứa nhiều chất dinh dưỡng với các nguyên liệu dễ kiếm sẽ là món ăn tuyệt vời cho bữa ăn ngày Tết của mẹ bầu.
Súp tôm và nấm tuyết
Nguyên liệu:
– 500g nước hầm xương, 1 nấm tuyết, 100g tôm, 1 lòng trứng gà, bột nêm, hạt tiêu, hành, rau mùi.
Cách làm:
– Ngâm nấm tuyết trong nước cho mềm và rửa sạch, thái nhỏ.
– Tôm hấp chín, bóc vỏ và xé nhỏ hoặc thái sợi.
– Nước dùng đun sôi và nêm gia vị cho vừa ăn.
– Cho nấm vào nồi đun nấu sôi lại. Sau đó, cho tôm và lòng trắng trứng vào, dùng đũa khuấy tan.
– Đổ súp ra chén và cho tiêu, hành, rau mùi lên trên.
Nếu muốn súp sánh hơn thì bạn có thể quấy thêm chút bột bắp hòa tan với nước lạnh rồi cho vào lúc súp đang nóng và đun sôi lại.
Súp canh rong biển
Nguyên liệu:
– 50g rong biển, 1 bìa đậu non, 100g nấm rơm, 1 quả táo, 1 quả lê, 1 củ sắn, 1 quả cà chua, 1 ít cần tây, gia vị, hạt nêm vị nấm, đường, dầu ăn.
Cách làm:
– Đem táo, lê và củ sắn rửa sạch, bỏ vỏ, cắt thành những miếng vừa ăn. Cho các miếng đã cắt vào cùng 1,5 lít nước. Đem ninh kỹ trong khoảng 30 phút để làm nước dùng đến khi cô đặc lại chỉ còn 0,5 lít nước là được. Cho thêm gia vị, hạt nêm vị nấm, đường vào nước dùng sao cho vừa miệng.
– Ngâm lá rong biển trong nước sạch một đêm và đem rửa lại lần nữa trước khi dùng. Để bớt mùi tanh, bạn có thể bóp lá với một ít muối trắng. Dùng kéo cắt khúc khoảng 2-3 cm. Đậu phụ non thái hạt lựu. Tất cả để riêng vào bát.
– Cà chua rửa sạch và cắt múi cau. Cắt bỏ chân nấm rơm, ngâm nước muối loãng, rửa sạch và bổ đôi.
– Cho dầu ăn vào chảo đun nóng, xào chín cà chua và nấm cùng một chút gia vị.
– Cho rong biển, đậu phụ vào bát tô và để cà chua cùng nấm rơm đã xào lên trên. Chan nước dùng đã đun sôi vào tô; rắc một ít cần tây được thái nhỏ ở trên. Như vậy, bạn đã có được một bát súp canh rong biển thơm ngon để thưởng thức.
2. Cháo
Cháo không chỉ dễ ăn, ngon miệng, giàu dưỡng chất mà còn “trị” nóng cho bà bầu hiệu quả.
Cháo lươn
Nguyên liệu:
– 300g lươn tươi sống, 1/3 bát gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp, nước dùng (nước hầm xương, nước luộc gà), gia vị, hạt nêm, hành khô 3 củ, mùi ta, thì là, rau răm.
Cách làm:
– Lươn không được mổ mà chỉ rửa sạch nhớt, luộc chín, gỡ lấy thịt và cục máu trong bụng lươn (cục máu này là thứ bổ nhất của con lươn), phi thơm hành khô bằm nhỏ rồi xào thịt lươn, nêm ít gia vị.
– Xương lươn giã nát lọc lấy nước, hòa cùng nước luộc lươn, nước dùng, thêm gia vị để nấu cháo (cách nấu cháo gạo như nấu cháo cá chép).
– Cháo chín thả thịt lươn xào thơm vào trộn đều.
– Rau thơm thái nhỏ, lúc ăn rắc vào cháo.
Cháo cà rốt
Nguyên liệu:
– 200g cà rốt, 100g rau bắp cải, 100g gạo tẻ, 100g thịt heo nạc,dầu ăn, bột nêm, mì chính, hành lá.
Cách làm:
– Cà rốt cạo sạch vỏ ngoài rồi nạo hoặc cắt hạt lựu.
– Bắp cải rửa sạch thái nhỏ.
– Thịt lợn nạc rửa sạch băm nhỏ ướp gia vị, cho dầu vào chảo rồi phi hành thật thơm xào chín thịt.
– Cho gạo vào nồi đổ đủ nước, dùng lửa nhỏ đun sôi nhừ tới khi hạt gạo nở hết. Sau đó cho cà rốt và bắp cải vào để sôi tiếp đến khi cà rốt và rau cải mềm. Cuối cùng cho thịt lợn băm đã xào vào, cho hành hoa ăn nóng.
Cháo hải sản
Nguyên liệu:
– 150 g cá chim (hoặc cá thu), 200 g sò điệp, mực, cua biển, tôm, ngao, hàu…, 200g gạo, gừng, chanh, hành khô, rau mùi, giấm thanh, dầu ăn, súp gà, gia vị, hạt tiêu.
Cách làm:
– Tôm, mực, cua… luộc chín cùng 1 lát gừng rồi vớt ra, để ráo nước.
– Ngao, hàu rửa sạch cho vào nồi với nước thêm 1 ít muối, luộc đến khi há miệng. Tách thịt ngao và hàu để riêng. Gạn lấy phần nước trong, không có cặn dùng để nấu cháo.
– Thịt cá rửa sạch và cắt miếng vừa ăn.
– Sò điệp rửa sạch bằng giấm thanh cùng một chút muối để trắng thịt và dai.
– Hành khô băm nhuyễn, ướp vào cá và sò điệp với một ít muối, bột ngọt, hạt tiêu phù hợp với khẩu vị. Ướp cá và sò điệp trong 30 phút để ngấm gia vị.
– Cho dầu ăn vào chảo xào cá và sò điệp đến khi chín tới.
– Gạo để nấu cháo được chia với tỷ lệ: 1/3 là gạo nếp, 2/3 là gạo tám thơm. Gạo đem rang lên. Sau khi rang chín, cho gạo vào nồi cùng nước luộc ngao, hàu và 1 lít nước lạnh để nấu cháo. Ðun nồi cháo với độ lửa vừa, hớt bọt đến khi hột gạo nở đều và thơm mùi gạo rang.
– Khi cháo nhừ, cho 3 muỗng canh súp gà cho thật vừa ăn rồi trộn phần tôm, mực, cua, ngao… đã luộc chín cùng phần cá và sò điệp vừa xào vào nồi. Lúc này cho lửa nhỏ lại và khuấy đều để không bị cháy nồi.
– Gừng thái chỉ. Hành và rau mùi thái nhỏ.
– Bày cháo ta bát và thêm hành, rau mùi, gừng, hạt tiêu.
Hải sản giàu axit béo omega 3, protein, sắt, canxi, rất hữu ích cho thực đơn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai. Nghêu, sò, hàu,… có tác dụng hoạt tràng thông khí, làm mát gan, giải độc.
3. Canh
Canh là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày, đặc biệt trong ngày Tết càng không thể thiếu. Tuy nhiên, món canh nào mới bổ dưỡng và có tác dụng thanh mát cơ thể cho bà bầu thì không phải ai cũng biết.
Canh gà hạt sen
Nguyên liệu:
– Gà, 12g hạt sen khô, 12g xuyên tục đoạn, 18g dây tơ hồng, 2 lát gừng, 18g a giao, muối.
Cách làm:
– Gà rửa sạch, trần nước sôi vài phút sau đó chưng cách thủy.
– Cho hạt sen khô, xuyên tục đoạn, dây tơ hồng vào trong túi vải buộc chặt, bỏ vào nồi sành nấu 30 phút.
– Sau đó đổ nước trong nồi vào bát chưng cách thủy, cho gừng và a giao vào, đậy nắp lại chưng cách thủy tiếp 3 giờ, rồi nêm thêm muối cho vừa ăn.
Canh bí đỏ nấu tôm thịt
Nguyên liệu:
– 400g bí đỏ, 100g tôm, 100g thịt, hành, mùi, rau ngổ, dầu ăn, hạt nêm, mì chính.
Cách làm:
– Thịt nạc xay hoặc băm nhỏ, nêm chút hạt nêm. Viên lại thành viên nhỏ.
– Tôm bóc nõn, khứa lưng, bỏ chỉ đen.
– Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng vừa ăn.
– Cho dầu vào nồi đun nóng, cho tôm vào xào. Sau đó cho 1 bát nước vào đun sôi.
– Khi nước sôi, thả những viên thịt vào nồi.
– Sau đó cho bí đỏ vào đun khoảng 10 phút. Cho hạt nêm cho vừa ăn.
– Khi bí chín, cho hành, rau ngổ, mùi tầu thái nhỏ vào là được. Cho canh bí ra bát và thưởng thức.
Canh ngao thì là
Nguyên liệu:
– 200g ngao thịt, 1 cây đậu hũ non, 4 quả cà chua, 1/2 muỗng cà phê tỏi băm, thì là, hành lá, muối, tiêu, nước mắm.
Cách làm:
– Ngao ngâm rửa sạch, tách lấy thịt. Cà chua cắt múi. Đậu hũ cắt cỡ đốt tay.
– Phi vàng tỏi cho cà chua vào xào, thấy cà chua săn mặt, cho nước vào nấu sôi.
– Cà chín, hạ lửa cho đậu hũ và ngao vào, nêm nếm canh ngao bằng muối và nước mắm vừa ăn.
– Múc ra tô cho hành lá, thì là cắt khúc vào. Rắc thêm chút tiêu lên mặt. Canh ngao thì là ăn với cơm trắng.
4. Chè
Chè là món ăn mà gần như chị em nào cũng thích, không chỉ ngon mắt, hấp dẫn mà còn rất tốt cho mẹ bầu.
Chè bí đỏ
Nguyên liệu:
– 300ml sữa tuơi không đường, 300g bí đỏ, 50g đường, 50g bột báng, 150 ml nước cốt dừa, một chút muối.
Thực hiện:
– Bí gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ rồi hấp cho đến khi bí chín mềm.
– Bột báng rửa sạch, ngâm với nước khoảng 15 – 20 phút, rồi luộc cho đến khi bột báng trong thì bạn vớt ra rửa sạch bằng nước lạnh.
– Cho sữa và đường vào nồi, nấu cho đường tan, không cần nấu sôi.
– Bí sau khi đã hấp chín thì dùng muỗng hoặc đồ nghiền, nghiền bí cho mịn.
– Cho bột báng đã luộc vào nồi sữa, khuấy cho tan đều rồi thêm nước cốt dừa vào.
– Cho bí đã nghiền vào nồi khuấy cho bí ngô tan đều.
– Khi bí đã tan đều bạn tắt bếp.
Chè bắp
Nguyên liệu:
– 5 trái bắp tươi, 200gr đường, 1 nhánh lá dứa/nếp, một quả dừa già, nạo lấy cùi dừa.
Cách làm:
– Bắp tươi bỏ hết vỏ, rửa sạch. Bào mỏng hạt bắp cho tới khi gặp phần lõi thì ngưng. Lá dứa rửa sạch.
– Cho phần hạt bắp đã bào vào cối xay với chút nước trong 30 giây.
– Luộc phần lõi bắp với 1,5 lít nước, chắt lấy nước.
– Vắt lấy 500 ml nước cốt dừa với nước ấm.
– Cho bắp, nước luộc bắp vào nồi, đun cho đến khi sôi lăn tăn, giảm lửa nhỏ, khuấy đều tay để tránh cho bắp lắng xuống đáy nồi, gây cháy khét.
– Đến khi bắp đã chín mềm, cho đường, nước cốt dừa, lá dứa vào đun vào đảo nhẹ thêm khoảng 10 phút nữa, cho đến khi chè bắt đầu sánh lại. Múc chè ra chén, dùng nóng sẽ ngon hơn.
Chè khoai môn
Nguyên liệu:
– 300 gr khoai môn, 100gr trân châu khô, 175gr đường (nên chọn loại đường đỏ để chè có màu đẹp hơn), 1 hộp nước cốt dừa, 750 ml nước.
Cách làm:
– Ngâm chân châu khô trong nước lạnh khoảng 1 giờ cho nở ra. Sau khi ngâm thì đổ nước đi và để ráo.
– Khoai gọt vỏ và thái miếng vuông. Hấp khoai môn khoảng 20 phút cho chín tới.
– Đun sôi 750 ml nước rồi cho đường vào, đun cho tan hết. Tiếp đến cho khoai đã hấp vào. Đảo liên tục đến khi nồi chè sôi trở lại.
– Đun sôi một lúc cho đường ngọt ngấm vào khoai, sau đó cho trân châu vào, ngoáy đều và chờ cho chè sôi một lần nữa rồi tắt bếp.
– Các mẹ có thể xay một chút nước lá dứa cho vào chè cho thơm. Bắc xuống để nguội bớt, cho nước cốt dừa vào và thưởng thức.
Có rất nhiều món canh, súp, chè, hoặc cháo ngon mà chị em có thể chế biến. Tuy nhiên, nếu không có nhiều thời gian, chị em hãy thử làm những món mà giới thiệu ở trên nhé! Đảm bảo sẽ rất ngon miệng, bổ dưỡng và “thổi bay” được cái nóng trong người đấy.
Medonthan tổng hợp