Singlemum – Thai trứng là hiện tượng sản khoa rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Nắm bắt được dấu hiệu mang thai trứng, mẹ bầu sẽ hạn chế được tác động xấu đến cơ thể và có thể phần nào bảo vệ được thai nhi.
- Các dấu hiệu có thai: Cách thử thai đúng bạn cần biết
- Các dấu hiệu mang thai sớm: Trắc nghiệm nhận biết bạn đã có thai
- Kiểm tra ngày rụng trứng tăng khả năng thụ thai
Thai trứng là gì?

Thai trứng khiến mẹ bầu xanh xao, mệt mỏi và ốm nghén rất nặng.
Thai trứng là một trong những hiện tượng mang thai bất thường. Sau khi trứng đã được thụ tinh, thay vì phát triển thành một phôi thai bình thường với các thành phần phụ tương đồng gồm túi ối, nhau, gai nhau… thì trứng chỉ có thể phát triển thành một nang khiến cho phần gai rau bị thái hóa, sưng lên thành những túi chứa dịch dính vào nhau thành từng chùm (giống như chùm nho, chùm trứng ếch), nên được gọi là thai trứng.
Có 2 loại thai trứng: thai trứng hoàn toàn (trứng sẽ không có tổ chức thai, các gai rau phình to, mạch máu lông rau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh) và thai trứng không hoàn toàn (có tổ chức thai hoặc một phần thai, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết, các gai rau phù nề.)
Dấu hiệu mang thai trứng

Mẹ bầu thường trở nên xanh xao, ốm yêu, tăng huyết áp và tay chân run rẩy khi mang thai trứng.
Mẹ bầu mang thai trứng sẽ vẫn có những dấu hiệu mang thai bình thường như tắt kinh, ốm nghén… nhưng các triệu chứng thường nặng nề hơn rất nhiều.
Các mẹ sẽ nghén nặng hơn, nôn ói nhiều, có thể xuất hiện dấu hiệu phù. Theo thời gian, mẹ sẽ bắt đầu ra máu. Máu có thể ít hoặc nhiều, có thể liên tục hoặc ngắt quãng, máu có màu đỏ tươi hoặc màu đen. Hiện tượng chảy máu này xuất hiện sớm nhất là sáu tuần sau khi mang thai hoặc muộn hơn là khoảng 12 tuần.
Mẹ bầu thường trở nên xanh xao, ốm yêu, tăng huyết áp và tay chân run rẩy khi mang thai trứng.
50% các trường hợp sẽ có tử cung phát triển nhanh hơn tuổi thai bình thường. Khi tử cung đã phát triển to hơn so với tuổi thai thì thai phụ sẽ có cảm giác buồn nôn, đau quặn vùng bụng hoặc bụng sưng to. Một số có thể xuất hiện tiền sản giật trước khi bước vào tam cá nguyệt hai nếu không được phát hiện sớm.
Thường thì trong giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu dễ bị chẩn đoán thai trứng nhầm là dọa sảy thai. Trong giai đoạn giữa thai kỳ, sờ không thấy phần thai, không nghe tim thai.
Qua siêu âm, các bác sĩ có thể thấy hình ảnh bão tuyết trong lòng tử cung, không thấy phần thai. Khi xét nghiệm betahCG (beta human chorionic gonadotropin) tăng rất cao, trên 30.000 đơn vị quốc tế.
Phòng tránh thai trứng

Mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tránh mang thai trứng.
Thai trứng có thể khiến mẹ bầu bị băng huyết do trứng bị sảy, hoặc khi trứng đã ăn sâu vào cơ tử cung sẽ làm thủng lớp cơ đó và chảy máu vào ổ bụng, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Thậm chí, sau khi đã nạo trứng, vẫn có nhiều nguy cơ tái phát ở lần mang thai tiếp theo, hoặc xuất hiện nhân di căn. Vì thế, tốt hơn hết, mẹ bầu nên thực hiện các cách phòng tránh thai trứng.
Mẹ nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất. Nên chú ý bổ sung sắt và axit folic cho cơ thể ngay cả khi chưa mang thai, bổ sung thực phẩm giàu đạm và vitamin A, nên ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh. Mẹ cũng cần thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh quá nhiều con và sinh gần nhau.
Với những người đã từng điều trị thai trứng, nên tuân thủ theo chỉ dẫn hậu phẫu của bác sĩ. Khi mang thai lần tiếp theo, hãy đến bệnh viện sớm để được chuẩn đoán và theo dõi xem có bị chửa trứng tái phát hay không.
Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh!
Singlemum tổng hợp