Số đo chiều dài xương đùi của bào thai có thể là một chỉ số vững chắc về sức khỏe sau này của trẻ. Nhóm nghiên cứu tại ĐH Tây Australia phát hiện ra rằng, những bé có xương đùi ngắn hơn ở thời điểm 24 tuần thai thường dễ bị cao huyết áp khi lên 6 tuổi.
Nghiên cứu được tiến hành trên 700 thai nhi. Mỗi cháu được siêu âm để đo vòng bụng, vòng đầu và chiều dài xương đùi 5 lần trong khoảng thời gian 18-38 tuần thai. 300 trong số này sau đó được đo huyết áp khi lên 6 tuổi. Kết quả là chỉ số huyết áp thấp nhất được tìm thấy ở những trẻ:
– Có cân nặng lớn nhất khi sinh.
– Vòng bụng tăng trưởng hợp lý hoặc rất nhanh ở thời kỳ nằm trong bụng mẹ.
– Có xương đùi dài nhất tại 24 tuần thai.
Các tác giả rút ra một số nhận xét:
– Cân nặng thấp khi sinh liên quan chặt chẽ tới nguy cơ bị huyết áp cao, có thể dẫn tới các bệnh tim mạch khi trưởng thành.
– Những trẻ nằm trong số 5% có chiều dài xương đùi lớn nhất có chỉ số huyết áp thấp hơn 2 mmHg.
– Ảnh hưởng của chiều dài xương đùi ở tuần thai thứ 24 tới huyết áp tương đương ảnh hưởng của vòng bụng, vốn được coi là một chỉ số quan trọng về sự tăng trưởng của thai nhi ở giai đoạn giữa và cuối của thai kỳ. Số đo vòng bụng phản ánh kích thước của gan và lượng mỡ dưới da, cho phép đánh giá mức độ dinh dưỡng của mẹ và thai nhi.
Theo các tác giả, nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa sự tăng trưởng trong thời kỳ bào thai và sức khỏe sau này của mỗi người. Vì vậy, chương trình chăm sóc thai nhi cần được bắt đầu sớm, chứ không chỉ dựa vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ ở giai đoạn cuối của thai kỳ như hiện nay. Ngoài ra, việc đánh giá chiều dài xương đùi cũng giúp phân biệt các trường hợp nhỏ do di truyền và trường hợp thai nhi phát triển kém do môi trường không thuận lợi, giúp kịp thời đề ra chiến lược cải thiện sức khỏe cho các cháu ngay khi còn nằm trong bụng mẹ.
Medonthan