Dạy con trẻ chưa bao giờ là điều đơn giản, Quan sát và cân nhắc phương pháp dạy con sao cho phù hợp là điều luôn được các bậc phụ huynh quan tâm. Sau đây là những hành vi nhỏ ở trẻ mà bố mẹ không nên bỏ qua
-> 4 Nguyên tắc dạy trẻ kiêng cường
Trẻ ngắt lời bạn:
Lý do bạn không nên bỏ qua: Trẻ có thể đang rất phấn khích về một vấn đề nào đó và muốn hỏi hoặc kể cho bạn nghe, nhưng nếu bạn để trẻ chen ngang như vậy, bé sẽ không học được cách tôn trọng người khác hoặc không tự chơi được một mình khi bạn đang bận. “Kết quả là, bé sẽ nghĩ bé có quyền nhận được sự chú ý của mọi người và sẽ không chịu được nỗi thất vọng”- Theo chia sẻ của tiến sĩ tâm lý học Jerry Wyckoff, đồng tác giả cuốn “Để con bạn từ nói không sang nói có”
Cách ngăn chặn: Lần sau, khi bạn chuẩn bị gọi điện hoặc đi thăm một người bạn, bạn hãy nói với bé rằng con cần giữ im lặng và không được chen ngang công việc của bạn. Tiếp theo, hãy cho bé một hoạt động để ngồi chơi hoặc cho bé một món đồ chơi nào đó để bé không làm phiền bạn nữa. Nếu bé kéo tay bạn khi bạn đang nói chuyện, hãy chỉ vào một cái ghế hoặc cầu thang và bảo bé hãy ra đó ngồi, im lặng cho đến khi bạn nói chuyện xong. Khi bạn đã xong việc, hãy cho bé biết nếu bé chen ngang bạn, bé sẽ không đạt được những gì mình muốn.
Chơi đùa mạnh bạo
Lý do bạn không nên bỏ qua: Bạn biết là bạn phải đứng ra can ngăn khi con bạn đánh bạn bè, nhưng bạn không nên xem thường những hành động hung hăng hơn, chẳng hạn như xô đẩy anh/em trai hoặc véo bạn. “Nếu bạn không can thiệp, hành vi mạnh bạo này có thể trở thành một thói quen khi bé lên 8 tuổi. Hơn nữa, bé sẽ nghĩ làm đau người khác là chuyện có thể chấp nhận được”. Theo Tiến sĩ giáo dục – Michele Borba, cố vấn cho ba mẹ, tác giả của cuốn “Đừng thể hiện thái độ đó với ba mẹ!: 24 hành động thô lỗ, ích kỷ, thiếu nhạy cảm của trẻ và cách ngăn chặn”.
Cách ngăn chặn: Đối mặt với hành vi hung hăng ngay khi nó vừa xảy ra. Kéo con bạn ra vào nói “Con làm vậy sẽ làm đau Janey đấy. Nếu bạn ấy làm vậy với con thì con sẽ cảm thấy như thế nào?” Để cho bé biết những hành động làm đau người khác là không được phép. Trước buổi hẹn chơi tiếp theo của bé, bạn hãy nhắc bé đừng nên chơi mạnh bạo quá, và giúp bé luyện tập những gì bé có thể nói khi cảm thấy tức giận hoặc muốn đến lượt mình. Nếu bé còn chơi đùa mạnh bạo nữa, hãy dừng cuộc hẹn của bé.
Vờ như không nghe bạn nói
Lý do bạn không nên bỏ qua: Việc bạn bảo trẻ làm việc mà trẻ không muốn 2, 3, hoặc thậm chí 4 lần, chẳng hạn như bảo bé lên xe hoặc dọn đồ chơi, đã gửi đến trẻ một tín hiệu rằng trẻ có thể xem thường bạn và trẻ – chứ không phải bạn – là người đang điều khiển cuộc chơi. “Việc nhắc nhở con bạn nhiều lần chỉ khiến trẻ đợi lời nhắc nhở kế tiếp, chứ trẻ sẽ không tập trung vào lời nói ban đầu của bạn”, Kevin Leman – nhà tâm lý học, tiến sĩ triết học, tác giả của cuốn Lần đầu làm mẹ: Một khởi đầu tốt đẹp – Từ khi bé mới sinh đến lúc bé lên lớp 1. “Phớt lờ ba mẹ là một cách thể hiện quyền lực của bé, và nếu bạn cứ để mặc hành động đó, thì bé sẽ trở nên bướng bỉnh và kiểm soát.”
Cách ngăn chặn: Thay vì nói chuyện với con bạn từ xa, hãy lại gần bé và nói với bé những gì bé cần làm. Hãy để bé nhìn bạn khi bạn đang nói và trả lời “Dạ, thưa mẹ”. Bạn hãy chạm vào vai bé, gọi tên bé, và tắt TV cũng có thể thu hút sự chú ý của bé. Nếu bé không di chuyển, hãy bắt bé phải làm.
Trẻ tự lấy đồ ăn vặt
Lý do bạn không nên bỏ qua: Mặc dù việc để trẻ tự lấy đồ ăn vặt khá tiện lợi cho bạn, nhưng để bé được quyền kiểm soát những hoạt động mà lẽ ra bạn phải là người quản lý sẽ không dạy bé thực hiện theo luật được. “Việc một đứa bé hai tuổi đi lòng vòng trong bếp và lấy bánh quy trong tủ trông có vẻ dễ thương, nhưng bạn hãy chờ cho đến khi bé lên 8 tuổi, bé sẽ đến nhà hàng xóm chơi mà không xin phép bạn”, Tiến sĩ Wyckoff nói.
Cách ngăn chặn: Thiết lập một số luật lệ nhỏ trong nhà, và thường xuyên nói chuyện với con bạn về những luật lệ đó (“Con nên xin phép ba mẹ nếu con muốn ăn kẹo nhé”). Chẳng hạn, nếu con bạn bật TV mà không xin phép, bạn hãy bảo bé tắt TV và nói “Con cần xin phép ba/mẹ trước khi bật TV lên chứ”. Khi bạn nói to các luật lệ thì trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn.
Bày tỏ thái độ không tốt với bạn
Lý do bạn không nên bỏ qua: Có thể bạn không nghĩ con bạn sẽ đảo mắt và dùng giọng điệu cộc cằn cho đến khi bé 13 tuổi, nhưng hành vi hỗn xược thường bắt đầu ở các bé trước tuổi đi học bắt chước những đứa trẻ lớn tuổi hơn để thử phản ứng của ba mẹ. “Vài phụ huynh bỏ qua việc này vì họ nghĩ đó là một giai đoạn và sẽ sớm qua, nhưng nếu bạn không đối mặt với nó, khi con bạn lên lớp ba, có thể bé sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để kết bạn và hòa hợp với giáo viên cũng như những người lớn khác”, Tiến sĩ Borba nói.
Cách ngăn chặn: Hãy khiến con bạn nhận thức được hành vi của mình. Chẳng hạn, bạn hãy nói với bé “Khi con đảo mắt như vậy, trông có vẻ như con không thích những gì ba/mẹ đang nói”. Cách làm này không phải nhằm mục đích để trẻ cảm thấy tồi tệ, mà để chỉ cho bé thấy người khác thấy bé như thế nào. Nếu hành vi này vẫn tiếp tục, bạn có thể từ chối tương tác và bỏ đi. Bạn có thể nói, “Ba/mẹ không nghe con nói gì hết khi con nói với thái độ như vậy. Khi nào con sẵn sàng nói chuyện nhẹ nhàng thì ba/mẹ sẽ nghe”.
Làm quá sự thật
Lý do bạn không nên bỏ qua: Có thể đây không phải là một vấn đề to tác khi con bạn nói bé đã dọn giường trong khi bé đang nằm kéo chăn lên, hoặc nếu bé kể với bạn bé đã đến Walt Disney World trong khi bé chưa đi máy bay lần nào, nhưng việc đối mặt với sự thiếu trung thực này là rất quan trọng. “Nói dối có thể trở nên vô thức nếu con bạn nghĩ rằng đó là một cách dễ dàng để bé trông tốt đẹp hơn, và tránh phải làm việc gì đó mà bé không muốn, hoặc tránh gặp rắc rối khi bé đã lỡ làm gì đó sai”, Tiến sĩ Wyckoff nói.
Cách ngăn chặn: Khi con bạn bịa chuyện, bạn hãy ngồi xuống với con và đính chính lại sự việc. Bạn có thể nói: “Đi đến Disney World sẽ vui lắm, và chúng ta có thể đi vào ngày nào đó, nhưng con không nên nói với bạn là con đã đến đó trong khi thực sự là con chưa đi bao giờ”. Hãy để bé biết rằng nếu bé không nói sự thật, mọi người sẽ không tin những gì bé nói nữa. Hãy xem động lực gì khiến bé nói dối như vậy, và hãy chắc rằng bé không theo đuổi một mục tiêu nào đó. Chẳng hạn, nếu bé nói bé đã đánh răng trong khi bé chưa thực hiện, bạn hãy bảo bé vào nhà vệ sinh và đánh răng.
Nguồn: parents.com