Thực tế, ít có bố mẹ nào quan tâm đến việc đặt câu hỏi và trò chuyện với trẻ khi trẻ đi học về. Nhưng nếu bố mẹ hiểu rằng những câu hỏi đó sẽ tác động rất lớn đến thái độ của trẻ, thì hẳn bố mẹ sẽ thay đổi.
->Trò chuyện và đọc sách cùng con- Việc mà bố mẹ nên làm mỗi ngày
Nên hỏi những câu hỏi cụ thể và tích cực
“Ngày hôm nay của con thế nào, con cảm thấy ra sao” là những câu hỏi khái quát mà bố mẹ cần tránh khi hỏi con. Bởi trẻ nhỏ sẽ không biết phải trả lời như thế nào với vốn từ vựng ít ỏi. Thay vì thế, hãy hỏi cụ thể và chi tiết. Hãy thử hỏi những câu sau:
– Hôm nay con có chơi trò gì vui với bạn không?
– Kể cho mẹ nghe điều gì khiến con vui nhất trong buổi học ngày hôm nay?
– Bạn thân nhất, người mà con thích chơi cùng nhất ở lớp là ai vậy? Tại sao con lại thích chơi với bạn đó, có phải vì…?
– Ngày hôm nay ở trường của con vui vẻ chứ?
Bên cạnh đó, cũng có một số câu hỏi bố mẹ không nên hỏi trẻ vì nó mang ý nghĩa tiêu cực. Nếu lặp lại nhiều lần, có thể khiến trẻ sợ đi học. Bố mẹ tưởng rằng những câu hỏi này là quan tâm đến con nhưng thực chất là đang vô tình reo rắc nỗi sợ hãi và những hình ảnh xấu xí vào tâm trí con. Bố mẹ cũng vô tình khắc họa một môi trường trường học đáng sợ, không an toàn như ở nhà, và điều này ảnh hưởng khá lớn đến tâm trạng trẻ.
– Hôm nay con có khóc nhiều không?
– Hôm nay con có bị bạn đánh không?
– Cô giáo có ghê gớm và quát mắng con không?
– Con có bị cô phạt không?
Không nói xấu cô giáo của con
Đây là điều tuyệt đối cấm kị khi nói chuyện với con. Dù bạn đang không hài lòng với cô giáo của con, cũng không nên thể hiện điều đó trước mặt con. Thái độ của trẻ với việc học và với giáo viên phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của phụ huynh. Một số câu sau đây cần tránh:
– Đây là chữ của cô giáo con á? Xấu tệ thế này mà cũng làm giáo viên sao?
– Mặt con bị sao vậy? Bị bạn cào à? Cô giáo trông con kiểu gì thế không biết. Thật vô trách nhiệm!
– Cô giáo trình độ kém quá!
Phải làm gì khi con nói “ghét đi học”
Bất cứ bố mẹ nào cũng đều sẽ phản ứng rất tiêu cực khi nghe con tuyên bố “ghét đi học”. Ngay sau đó, bố mẹ sẽ hỏi hàng tá câu hỏi một cách dồn dập: “tại sao lại như vậy”, “đi học vui mà, tại sao con lại ghét”, “nói cho bố mẹ nghe đi”, “ở lớp có chuyện gì à”, “con bị bắt nạt à”, “con bị cô giáo đánh”… Cách phản ứng này chỉ khiến trẻ sợ và cảm thấy tội lỗi. Kết quả là từ lần sau trẻ sẽ không bao giờ dám nói lên suy nghĩ của mình nữa. Nếu con nói “ghét đi học”, bố mẹ nên bình tĩnh xử trí theo những bước sau:
Tôn trọng cảm xúc của con. Đừng phủ nhận ngay cảm xúc của con và cho rằng con không được phép nói như vậy. Trẻ sẽ cảm thấy rất khó chịu vì không được tin tưởng và bị mọi người xem nhẹ cảm xúc của mình.
Bình tĩnh tìm lí do. Nếu con nói ghét đi học, chắc chắn đằng sau đó phải có lí do cụ thể. Hãy cố gắng hết sức tìm lí do tại sao con lại phản ứng như vậy với việc đi học. Đây cũng là cách để bạn hiểu con và tìm đường hướng xử trí đúng đắn.
Hỏi con nguyên do. Khi cảm thấy con đã tin tưởng mình, bố mẹ có thể ngồi nói chuyện riêng với con. “Nghệ thuật” nói chuyện với trẻ để trẻ thoải mái thổ lộ tâm tư vẫn phải tuân theo nguyên tắc tôn trọng và thừa nhận cảm xúc của con. Khi con đã có thể nói hết những vấn đề đang gặp phải với bố mẹ, nghĩa là con đã phần nào dám đối đầu với những vấn đề đó. Cùng con học cách chấp nhận những điều chưa hoàn hảo và dần dần xử lí các vấn đề.
Nguồn: Theo Đời sống & Pháp lý