Mình lại tiếp tục chia sẻ về chuyện này, và tự dưng nảy ra cái ý định đặt tên cho nó là “Nói với con về bố”, tại sao không phải là về mẹ? Vì thường đứa trẻ ở với mẹ, và thường… chỉ có phụ nữ mới hành xử phức tạp, không kể đó là người mẹ, hay bà của chúng, những người bà tiếp tục “làm mẹ” và tự cho mình quyền cai trị đứa trẻ.
Mình quyết định viết ra mặc dù có thể vướng phải sự hiểu lầm, chỉ trích, … Nhưng mình cảm thấy cần thiết, bởi đọc nó, rất có thể sẽ có nhiều hơn nữa những đứa trẻ không ở cùng cả bố và mẹ được bình an lớn lên trong tình yêu.
Và vì những người phụ nữ luôn là nơi gieo mầm tốt lành, cũng là nơi kết thúc oán giận một cách vĩ đại nhất. Tuy nhiên, để làm được điều ấy, bạn cần phải nhận ra bản chất thật phía sau những gì bạn đang làm.
Việc bạn ích kỉ, không muốn con và chồng cũ/vợ mới của chồng cũ/gia đình chồng cũ có mối quan hệ tốt đẹp là điều hoàn toàn bình thường trong đời sống con người. Chúng ta đang không dùng thái độ phê phán cho điều này, chúng ta đang nhận diện những thứ thực sự có mặt ở đây.
“Làm sao mà mình có thể chấp nhận điều ấy dễ dàng đến thế được”
“Làm sao mà mình có thể để cho chúng nó toại nguyện dễ dàng đến vậy được”
“Làm sao mà nó khốn nạn với mình như vậy, mình lại để cho nó được vui vẻ với con nó được”
“Mình sẽ phải cho nó/cả nhà nó/chúng nó biết tay”
Đó là những suy nghĩ đại diện cho một lớp tâm lý thường thấy của chị em sau ly hôn, phần do cay cú vì mình bị thua cuộc, phần vì bạn đã phải chịu rất nhiều tổn thương từ người kia trong thời gian quá dài khiến bạn cũng “nhiễm độc” và trở nên cay nghiệt. Nó có thể hiểu được, tuy nhiên, nó không nên được tiếp diễn.
Có câu “người chơi gươm sẽ chết vì gươm” bạn sống bằng thù hận, tiếp nối thù hận, bạn không chỉ trở thành ung nhọt, bạn bắt con mình, đối tượng mà bạn hết tâm sức yêu thương cũng trở thành ung nhọt.
Bạn không hạnh phúc – trẻ soi gương vào cuộc đời bạn và tin rằng “Đời này làm gì có cái được gọi là hạnh phúc” hoặc “Chắc hạnh phúc nó chừa mình ra”.
Bạn luôn phản ứng – trẻ nhìn vào sẽ kết luận “Cuộc sống này là cái chiến trường, luôn phải dè chừng, chiến đấu, luôn có kẻ thắng, người thua, nếu mình không mạnh mẽ đàn áp người khác, mình sẽ chẳng có gì”.
Bạn không chấp nhận được sự thật – trẻ sẽ dối mình, dối lòng, biện minh.
Bạn không nhìn thấy mình là nhân, cuộc đời là quả – trẻ sẽ đổ tại.

Bạn là bài học xuyên suốt cuộc đời con về mọi kinh nghiệm, lý tưởng, hình mẫu, một cách hoàn toàn tự nhiên. Những tổn thương của bạn cũng là tổn thương của con bạn. Nỗi đau của bạn trở thành của con bạn, cứ như có một sự di truyền vô hình nào đó vậy. Khi ở trong hoàn cảnh có thể bộc phát, nó sẽ biểu lộ ra ngoài.
Và việc bạn cay nghiệt với người bạn đời cũ/gia đình người ta hay vợ mới của người ta, con bạn có thể không cay nghiệt với cùng đối tượng của bạn, nhưng có khả năng nó quay lại, cay nghiệt với chính nó, thậm chí là cả bạn – người đã sinh ra nó, đã hi sinh hết mình cho nó.
Vì đứa trẻ sẽ luôn nhận ra một sự thật, sự thật về sự giả dối được che lấp bởi cái nhân danh tình yêu.
Sự thật về việc bạn lấy nó ra làm công cụ để trả thù cho cảm xúc của bạn. Bạn đã làm điều đó và giả vờ như đã không làm vậy.
Dừng lại một cuộc hôn nhân có thể đau buồn nhưng không vì vậy mà đánh đi mất bản chất tốt đẹp của bạn. Dừng lại hôn nhân không phải một thất bại, càng không phải bất hạnh, không thể là đau khổ cả đời…
Người bạn đời không phù hợp sẽ phải rời đi, và khi biết rằng người mình cần sẽ đến, người thừa sẽ đi thì cũng là lúc bạn có thể hân hoan và trân quý cả người đi lẫn người đến.
Người đời cứ đến và đi như sự vô thường của tự nhiên, còn bạn, hãy ở lại, với con… làm mẹ đơn thân vui vẻ.
Và với tình yêu thuần khiết như khi chưa bắt đầu.
[Nói với con về bố]
Medonthan