Con yêu, đêm nay con ngủ sâu giấc sau một ngày thi đấu cầu lông giải Thành phố Hà Nội cho khối THCS đầy nỗ lực. Mẹ thì vẫn không sao chợp mắt dù mẹ rất mệt mỏi sau chuyến đi học 2 ngày một đêm ở xa về. Mẹ trằn trọc, băn khoăn và nghĩ về con thật nhiều.
- Chỉ một phép thử nhỏ, em đã hiểu lòng anh
- Con gái à, Mẹ sẽ dạy con mạnh mẽ vươn lên!
- Nhớ rằng dù có ly hôn thì cha mẹ vẫn luôn yêu các con
Con ạ, suốt 4 tháng qua mẹ đã đọc rất nhiều sách về tâm lý tuổi dậy thì, sách hướng dẫn làm cha mẹ, rồi tham vấn rất nhiều ý kiến của bạn mẹ là những Tiến sĩ về giáo dục, mẹ còn tham gia rất nhiều Hội thảo, các khóa học dành cho cha mẹ nuôi dạy con thành công. Mẹ như con ong cần mẫn tìm hiểu, tìm kiếm thông tin để sao điều chỉnh được sự căng thẳng giữa hai mẹ con. Mẹ đã quyết định cho con tham gia khóa học “Đánh thức tiềm năng con người”. Mẹ đăng ký mà còn không biết làm thế nào để thuyết phục con tham gia vì lý do suốt thời gian dài con không chào hỏi hay trò chuyện với mẹ.
Tóm lại, con không hợp tác bất kỳ việc gì. Mẹ muốn con luyện tập đàn Piano để con thư giãn – sở thích mà con học suốt từ khi 5 tuổi đến khi con vào lớp 5, vậy mà con còn để cây đàn mốc thếch một góc với lý do “Bây giờ con chỉ thích chơi cầu lông thôi. Mà chơi cầu lông tay cứng rồi không chơi đàn được nữa” Lý do lãng xẹt. Thế rồi bữa cơm tối mẹ thủ thỉ để con đồng ý đi học. Con vùng vằng, vặn vẹo một thôi, một hồi rồi cũng miễn cưỡng đồng ý đi. Mẹ rất vui và thấy đấy đã thành công đến 50% rồi.
Mẹ nhớ mãi buổi học đầu tiên ấy của con. Mẹ xúc động biết nhường nào khi con mượn điện thoại của bạn học cùng lớp và gọi cho mẹ. Con đã khóc thật nhiều và nức nở, nghẹn ngào nói lời xin lỗi mẹ vì đã có những lúc cãi mẹ, những lúc làm mẹ buồn, mẹ giận. Bao nhiêu tháng nay con sống theo cách chống đối mẹ. Con luôn cáu giận vô lý, con vùng vằng, đòi hỏi đủ thứ và luôn nói trống không với mẹ. Con hoàn toàn không phải là đứa bé ngày nào mà khắp hàng xóm, láng giềng, gia đình yêu mến vì vừa giỏi, vừa ngoan, vừa có ý thức. Tệ hại nhất là con không thèm đáp lại mẹ khi mẹ gọi con hoặc hỏi han con. Chỉ khi mẹ bực mình và gắt lên thì con trả lời với một tâm thế cho xong, không thèm nhìn mẹ.
Vậy mà sau 3 ngày học con đã thay đổi thật nhiều. Con bắt đầu trò chuyện vui vẻ trở lại với mẹ. Trong bữa ăn con luôn để ý đến mẹ, gắp thức ăn cho mẹ, nhắc mẹ phải ăn nhiều vào. Mẹ mừng vui và hạnh phúc lắm. Mặc dù kinh tế đang khó khăn mẹ cũng luôn cố gắng cho con tham gia thật nhiều các khóa học kỹ năng, rồi đồng hành cùng con, tổ chức cho con đi nghỉ, đi chơi cuối tuần. Các hiệu sách và trung tâm thương mại là nơi mẹ con mình thường xuyên ghé nhiều nhất. Mẹ gần như bỏ bê công việc, mặc kệ công ty gần như dành hết thời gian cho con vì mẹ muốn bù đắp cho con những thiệt thòi.
Trước kia, khi còn học mẫu giáo và lớp 1,2 con thường hay hỏi mẹ về bố của mình. Mẹ đã thắp cho con bao ảo ảnh cha mình rằng nhà mình nghèo nên bố phải ra nước ngoài kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi con. Nói dối con như thế nhưng lòng mẹ đau như cắt từng khúc ruột. Sự thật là ông ta chưa từng coi con là con và cũng chả quan tâm xem mẹ con mình sống chết ra sao mặc dù ông ta bây giờ đã giàu có, nổi tiếng và sống ngay nhà bà ngoại. Khi ông ta yêu mẹ, ông ta vẫn còn làm nhà nước và cuộc sống của ông cũng khó khăn.
Bây giờ con đã 13 tuổi rồi. Con không còn hỏi về ông ấy nữa. Hình như con cảm nhận được mẹ rất buồn sau mỗi lần con nhắc đến câu: “Mẹ ơi, ba ở xa không về sao ba cũng không điện thoại cho con nữa. Điện thoại được mà mẹ”. Con thèm khát sự được gọi hai tiếng “Ba ơi”. Mẹ hiểu. Khi con bắt đầu biết viết chữ thì lá thư đầu tiên trong đời là con viết cho ông ấy bằng nét chữ nguệch ngoạc. Con cẩn thận tự làm cái phong bì và bỏ vào đó nhờ mẹ ra bưu điện gửi cho ba. Con làm mẹ suýt khóc. Mẹ đã phải rất kìm chế để không rơi nước mắt.
Mẹ đã nói dối con suốt hơn 10 năm. Mẹ thực sự chưa biết thời điểm nào để nói sự thật với con cho thích hợp. Rằng mẹ chưa từng bao giờ kết hôn với ông ta, rằng ông ấy chưa từng có trách nhiệm với con hay nhìn nhận, thăm nom con cho dù chúng ta sống chung trong thành phố này… Mẹ sợ làm con tổn thương.Cuộc sống vẫn thế, thường không chiều theo lòng người con ạ. Mẹ đã từng ao ước có một gia đình trọn vẹn, ấm áp những yêu thương chứ không phải nhiều tiền, lắm của.
Số phận đã không mỉm cười với mẹ. Mẹ gặp và yêu cha của con khi ông ấy nói rằng vợ chồng ông ấy không hạnh phúc nên đã bỏ nhau. Mẹ có đến nhà chơi nhưng quả thật không gặp người phụ nữ nào. Thậm chí 30 Tết ông ấy cứ điện thoại và nói mẹ đến nhà ông ấy. Mẹ đã không đi vì ngày này bao năm mẹ thường chỉ ở nhà giúp bà ngoại chuẩn bị mâm cơm đón giao thừa. Chưa bao giờ mẹ biết ra khỏi nhà đi chơi đêm giao thừa cho dù anh, chị, em trong nhà đi hết. Ngoài giờ đi làm, rồi đi dạy thêm ra mẹ thường ở nhà giúp bà.
Rồi cái gì đến cũng đến. Cha con ngỏ lời muốn cưới mẹ và giục đi xem ngày cưới. Ngày mẹ đi xem ông thầy nói rằng: Hôm nay ở nhà này có hàng trăm người đến đây, không có ai xinh và thông minh giỏi giang như cô này nhưng cũng không có ai khổ bằng cô này. Cô đừng tưởng có nhan sác, có trí tuệ, kiếm ra tiền mà cô đã sướng đâu nhé. Cô muốn xem cái gì? Mẹ trả lời: “Cháu muốn xem ngày cưới”. Ông ấy cười khẩy: “Mày làm gì có ngày cưới mà xem. Mày đừng bao giờ mong được mặc áo cưới. Cũng đừng bao giờ mong nhận phong bì mừng từ bạn bè mày. Thế thằng đấy bao nhiêu tuổi?”….bla bla…
Rồi mẹ bỏ đi về cùng với cô bạn. Hai chị em bảo nhau: “Ông này hôm nay làm sao ý”. Và đúng lúc mẹ có bầu thì có một người đàn bà đến nhà bà ngoại xin đăng ký học tiếng Anh. Mẹ từ chối vì lịch dạy đã kín. Bà ta nài nỉ cuối cùng mẹ đồng ý còn một buổi tối trống lịch sẽ dạy cho các con bà ta. Bà ta đón mẹ về nhà nhưng lại rẽ vào quán cafe nói chuyện. Rồi bà ấy nói trắng ra là vợ của cha con. Mẹ thực sự sốc. Sau đó ông ta điện thoại và nói với mẹ rằng họ đang ra tòa ly dị nhưng chưa xong, rằng bây giờ phải để lại hết nhà cửa cho bà ấy ra đi bằng hai bàn tay trắng thì mẹ có sợ không? Mẹ đã trả lời mẹ không sợ nghèo. Mẹ chỉ cần con và ông ấy.
Ông ấy nói thời gian này không nên gặp nhau vì bà ta thuê đầu gấu tìm kiếm mẹ. Cố gắng đợi ông ấy giải quyết việc nhà xong. Con thì ngày một lớn trong bụng mẹ. Đến một ngày ông ta không nghe điện thoại của mẹ nữa. Bỏ mặc mẹ con mình với những nỗi khổ của ốm nghén và sự dọa nạt từ phía đầu gấu mà vợ ông ta thuê. Khi đó mẹ nói dối ông bà ngoại là chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh. Thực ra là mẹ thuê nhà ở Hà Nội và hàng ngày làm việc cật lực để kiếm tiền tích lũy chờ ngày sinh con. Đã có lúc túng quẫn mẹ uống hàng vốc thuốc ngủ mong tuẫn tiết. Nhưng rồi mẹ nằm li bì mấy ngày một mình và tỉnh lại trong bốn bức tường cô quạnh. Mẹ sống trên sự dị nghị, cười chê của người đời để sinh ra con.
Con gái ạ, cuộc sống rất cần đến sự tha thứ nhưng không phải ai cũng muốn dùng đến nó. Bởi vì khi đã dùng đến nó là người ta đã tổn thương thật nhiều. Người ta có thể nói tha thứ cho tất cả nhưng không thể bắt tâm trí của mình quên được nó. Thế đấy con gái ạ, có những vết thương rất sâu và rất đau nhưng nó sẽ lành hẳn theo thời gian. Và có những vết thương không nhìn thấy, tưởng chừng như vô hại nhưng nó không thể nào chữa nổi. Nó chính là vết thương lòng.
Con gái biết không, 2 ngày qua mẹ đi học khóa học “Đánh thức người khổng lồ trong bạn”, những cảm xúc trong tim mẹ trào dâng khi nghĩ về con. Trong khóa học có buổi diễn giả dùng thuật thôi miên để dẫn dắt con người ta mở tiềm thức ra và nhớ lại một chuyện đâu buồn trong quá khứ rồi khóc cho thoải mái. Mẹ đã không mất giọt nước mắt nào khi nhớ về nỗi đau mà cha con đã tặng mẹ. Buổi sáng ngày hôm sau tham gia một trò chơi thì mẹ đã khóc, khóc thật nhiều vì động tới tâm can mẹ.
Trò chơi đó là: Có 5 người đi trên 1 con tàu. Tàu bất ngờ gặp tai nạn giữa biển mà chỉ có một phao cứu sinh để cứu hai người thôi. 5 người cùng đưa ra lý do mình cần phải sống, thảo luận và cứ 1 người thì được chỉ định cho 2 người được sống. Đến lượt mẹ, mẹ nghĩ về con và kể lại cuộc sống của mẹ con mình trong ngẹn ngào nước mắt. Cuối cùng lý do, câu chuyện của mẹ đã lay động trái tim của 4 người nên mẹ đã dành được quyền sống. Đây là một trò chơi trong 1 bài học thôi nhưng nó cũng chính là sức mạnh niềm tin của con người. Mẹ tin rằng cuộc đời mẹ có gặp bao khó khăn, hiểm nguy thì mẹ sẽ luôn đấu tranh để giành được sự sống. Có như thế mẹ mới chăm lo, bù đắp cho con được.
Thời gian qua mẹ tham gia buổi hội thảo “8 bí quyết hiểu mình, hiểu con trẻ”, mẹ nhận ra rằng mẹ không phải là người mẹ hoàn hảo. Ý định của mẹ thì tốt nhưng đôi khi mẹ lại nói hoặc làm những điều khiến con bị tổn thương. Hơn nữa, mẹ cũng không chắc được rằng mẹ sẽ luôn ở bên con khi con cần hay không? Mẹ nhận ra rằng trước đây mẹ cư xử rất không phải với con. Khi con chia sẻ những nỗi bận tâm và cảm xúc của mình thì mẹ lại nghe rất thờ ơ vì đầu óc mẹ còn mải nghĩ công việc.
Mẹ nhớ có lần con đòi mẹ đưa đi xem phim và mua đồ chơi. Mẹ trả lời: “Để mẹ xem đã vì mẹ đang rất bận”. Điều này khiến con giận và nói với một thái độ khó chịu: “Mẹ thì khi nào chả bận, khi nào cũng để xem đã”. Mẹ sốc khi thái độ của con như thế. Mẹ cho rằng con hỗn láo và đòi hỏi không biết chia sẻ với mẹ. Khi đó mẹ đã rất buồn. Nhưng bây giờ mẹ đã khác. Nếu bây giờ con muốn chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình thì mẹ muốn là người được lắng nghe tất cả. Mẹ sẽ cố gắng lắng nghe và đáp lại con theo cách tích cực nhất. Mẹ biết rằng đôi khi con không thích cách đối xử của mẹ và điều này có lẽ còn tiếp tục xảy ra. Nhưng nếu con nói với mẹ những điều con buồn bực và lo nghĩ, mẹ sẽ tôn trọng cảm xúc của con và chúng ta có thể cùng nhau giải quyết vấn đề được không con?
Mẹ muốn hai mẹ con ta cùng nhau đi qua giai đoạn khó khăn này và để mình được hạnh phúc theo cách của mình con nhé.
Mẹ luôn yêu con!
cfsmedonthan!