Ba mẹ tôi lấy nhau trong sự ngăn cản của ông bà và các bác bên ngoại. Khi đưa ba về ra mắt đã gặp ngay sự phản đối của ba và các bác trai. Họ nói “Nhìn cách nói chuyện của ba thì con gái dễ bị siêu lòng, sau này thể nào ba cũng ra ngoài lăng nhăng”.
- Mẹ sẽ không hối hận vì từng yêu ba con và có con
- Mẹ sẽ cố gắng bù đắp hết cho các con của mẹ
- Sinh con ra là điều đúng đắn nhất mà mẹ làm được
Nhưng lúc đó mẹ tôi bị tình yêu che mắt rồi nên bỏ ngoài tai hết những lời khuyên của ông và các bác. Có lần ông bà ngăn cản dữ quá mẹ cũng chia tay ba nhưng không hiểu ba làm gì mà mẹ lại quay lại. Thực ra là mẹ thương ba nhiều hơn yêu. Ba tôi có tài ăn nói và giỏi đóng kịch, đánh vào lòng thương người của mẹ. Sau vài ba lần như vậy thì mẹ tôi quyết tâm lấy ba tôi cho bằng được. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy”. Ông bà ngoại tôi nhắm mắt cho mẹ cưới với bao nhiêu bất an trong lòng.
Kết tinh tình yêu của ba mẹ chính là tôi. Nhưng cũng chính từ khi tình yêu đó ra đời thì bi kịch cuộc đời mẹ tôi bắt đầu xảy ra. Như lời ông bà ngoại lo lắng ba tôi bắt đầu ra ngoài lăng nhăng. Ngày mẹ sinh ba không có mặt. Đến khi mẹ sinh xong thì ba tôi lên thăm được một hai tiếng đồng hồ, bế tôi được một lần rồi nhìn tôi chẳng có cảm xúc gì của một người cha khi lần đầu nhìn thấy con. Các cô tôi trầm trồ kêu tôi giống ba nhưng ba chẳng tỏ ra vui mừng hay tự hào gì cả mà chỉ nói có một câu “Trông giống ông ngoại hơn”. Mẹ tôi nghe mà muốn khóc.

Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, mẹ vẫn quyết định lấy ba
Ai đời có người cha nào không thích con trông giống mình đâu. Từ đó có ai nói con giống ba là mẹ tôi lại nói tránh ngay “Nó giống mẹ hơn”. Những ngày sau đó tôi có ba cũng như không. Chỉ một tay mẹ tôi chăm sóc và lo lắng cho tôi từng giấc ngủ cho đến từng giọt sữa. Thỉnh thoảng ba cũng có về thăm mẹ con và ngủ cùng nhưng chỉ là ngủ cùng đúng nghĩa đen chứ chưa hề ẵm ru tôi khi tôi khóc. Có lần tôi khóc dữ quá, đang đêm mẹ tôi ru mãi nhưng tôi cũng không chịu ngủ mà càng khóc to hơn.
Ba tôi mở mắt ra vì tiếng tôi khóc to quá, mẹ tôi ngỡ là ba dậy để bế tôi đỡ cho mẹ nhưng không phải thế. Ba tỏ vẻ khó chịu khi mẹ không biết dỗ tôi để tôi khóc ảnh hưởng đến giấc ngủ của ba. Ba bực bội khó chịu rồi quay lưng lại ngủ tiếp. Mẹ tôi vừa khóc vừa bước xuống giường bế tôi đi rong, ru tôi ngủ. Nước mắt mẹ ướt cả chiếc yếm của tôi. Từ đó mẹ tự nhủ “chẳng trông mong được gì về người chồng này nữa” nhưng mẹ lại không hề nói cho bà ngoại biết. Một mình mẹ chịu đựng tất cả những tổn thương về cơ thể và tinh thần, một mình mẹ kiên nhẫn chịu đựng.
Tôi có ba mẹ đầy đủ nhưng trong tâm trí tôi chỉ có mỗi hình ảnh mẹ mà thôi. Tôi chưa từng được ba âu yếm, vỗ về cũng chưa từng được ba chủ động mua cho bất cứ thứ gì. Một lần vào dịp tết thiếu nhi, lúc đó tôi được bốn tháng, mẹ đưa chân ba ra bến xe đi làm. Đến cửa hàng quần áo trẻ em, mẹ đứng ngắm rồi kêu ba vào mua cho tôi một bộ làm quà. Ba tôi ngập ngừng một lúc rồi cũng đi vào để mặc mẹ xuýt xoa với bao nhiêu đồ đẹp.

Chỉ có mẹ một mình gồng gánh nuôi tôi
Mẹ chọn mãi được một bộ quần áo ưng ý (thực ra mẹ muốn chọn vài ba bộ cơ nhưng mẹ mang không đủ tiền). Mẹ mang ra tính tiền hết 120.000 đồng mà trong túi mẹ chỉ có 70. 000 đồng. Mẹ ra nói nhỏ với ba xin thêm thì ba gắt lên “Trẻ con làm gì mà mua đồ đắt thế”. Mẹ đắng lòng thấy mắt mình cay cay, mẹ tủi thân thay cho tôi. Ba vừa may xong hai cái quần tây trị giá gần 1.000.000 đồng nhưng lại đi tiếc bộ quần áo giá chỉ 120.000 đồng với chính con trai mình. Mẹ cầm bộ đồ trên tay không dám nói gì vì sợ bố gắt gỏng lại càng xấu hổ với mấy người đang chọn đồ bên cạnh. Cũng từ đó mẹ chẳng bao giờ nhờ ba mua cho tôi thứ gì cả. Mẹ tự nhủ mẹ sinh con thì mẹ sẽ tự nuôi.
Khi sinh nhật tôi tròn một tuổi thì ba mẹ tôi li hôn. Ba tôi không hề ngó ngàng hỏi thăm hay chu cấp cho tôi một đồng. Ông bà ngoại buồn phiền lắm tuy họ biết trước sau gì cũng xảy ra chuyện này. Mẹ tôi trái lại, bà có vẻ thoải mái hơn như vừa trút đi một gánh nặng mà bấy lâu mẹ phải gánh một mình. Các bác thì thương mẹ “khổ thân con bé, ăn học đàng hoàng, nghề nghiệp tử tế mà gặp phải thằng chồng không ra gì”. Mẹ chỉ cười thanh thản “Con không thấy mình khổ mà chỉ thấy vất vả vì phải nuôi con một mình thôi. Chính con đã cầm lên được thì chính con cũng bỏ xuống được”.
Mẹ tôi tuy vất vả thật nhưng không còn buồn phiền như trước kia nữa. Còn tôi thì chính thức mất ba nhưng trong 365 ngày còn ba tôi cũng chưa hề cảm nhận được tôi thật sự có ba. Có lẽ vì như thế nên từ thứ hai tôi nói được sau từ “mẹ” là từ “bà bà” chứ không phải là “ba ba” như mọi đứa trẻ khác.