Medonthan.net – Những bà mẹ tại Afganistan phải kết hôn với kẻ đã cưỡng hiếp mình Nếu không đồng ý, họ sẽ phải trở thành những bà mẹ đơn thân, ngồi tù vì lý do “không chồng mà chửa”.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày chính quyền Taliban sụp đổ dưới sức mạnh quân sự của Mỹ, vậy nhưng những bà mẹ đơn thân ở Afganistan vẫn còn chưa thoát khỏi cơn ác mộng của cuộc đời mình.
Phải kết hôn với kẻ đã cưỡng hiếp mình để đứa con sinh ra được có danh phận
Cộng đồng thế giới vẫn chưa thôi xót xa về câu chuyện của Gulnaz, một bà mẹ đơn thân phải một mình nuôi con thơ trong nhà tù Kabul, Afghanistan vì tội bị cưỡng hiếp có thai. Năm đó, Gulnaz mới 19 tuổi, bị kết án tù 12 năm.
2 năm sau khi được ân xá ra tù trước sức ép của dư luận nước ngoài, Gulnaz đau xót kể lại câu chuyện cuộc đời mình.
Cho đến tận bây giờ cô vẫn không thể quên được dáng điệu của người đàn ông ấy, và cả cái mùi hôi nồng bốc lên từ bộ quần áo dơ dáy trên người hắn. Đó là một buổi chiều hơn hai năm về trước, khi cô ở nhà một mình cho mẹ đi thăm người ốm, hắn bất ngờ xông vào, khóa chặt cửa và cưỡng hiếp cô. Gulnaz rưng rưng kể lại: “Tôi hét lên trong sợ hãi, nhưng hắn đã kịp dùng tay bịt miệng tôi lại.” Ghê tởm thay, kẻ hãm hiếp Gulnaz không ai khác, chính là anh rể của cô.
Sau khi bị làm nhục, Gulnaz đã cố gắng giữ bí mật những gì từng xảy ra với mình càng lâu càng tốt. Nhưng mọi chuyện rồi cũng vỡ lở khi chẳng bao lâu sau đó, cô ấy bắt đầu ói vào mỗi sáng, cùng với đó là những dấu hiệu của một phụ nữ đang mang thai. Nó là “giọt máu” của kẻ đã cưỡng hiếp cô.
Gulnaz và đứa con sinh ra từ một lần bị cưỡng hiếp
Tại Afghanistan, tình cảnh đáng thương của cô sẽ không giành được sự cảm thông, trái lại, Gulnaz sẽ bị khởi tố. Thiếu nữ mới 19 tuổi đầu phải đối mặt với tội danh có quan hệ tình dục khi chưa kết hôn và tội ngoại tình.
Bế đứa trẻ trong lòng, cô gái với khuôn mặt bịt kín cho hay, chỉ có duy nhất một cách để kết thúc chuỗi ngày bóc lịch trong tù và xóa đi sự khinh miệt trong mắt nhiều người Afghanistan: Kết hôn với kẻ đã cưỡng hiếp cô!
Với một số người ở Afghanistan, đó là cách để đứa trẻ có được một gia đình và cũng là để phục hồi danh dự cho các cô gái như Gulnaz. Nếu không làm vậy, Gulnaz có thể sẽ bị giết chết, không phải bởi chính quyền, cũng chưa phải bời kẻ đã cưỡng hiếp cô, mà có thể, cái chết của bà mẹ trẻ sẽ đến từ chính gia đình mình – những người muốn Gulnaz nhanh chóng biến mất khỏi cuộc đời để xoá nỗi nhục nhã của dòng họ.
Rất nhiều phụ nữ lâm vào hoàn cảnh như Gulnaz đã phải chết vì chung một lý do như vậy.
Bị giết vì ‘tội’ sinh con gái
Ngoài việc bị dùng làm lá chắn sống cho phiến quân Taliban, bị cưỡng hiếp và bạo hành, những bà mẹ ở Afghanistan còn bị khép vào tội không biết sinh con trai và nhận những hậu quả đau đớn từ việc này.
Nhiều người còn nhớ tới bà mẹ xấu số Storay sống ở ngôi làng Mahfalay, quận Khanabad, phía đông bắc tỉnh Kunduz, một trong những nạn nhân của vấn nạn “giết vợ vì không sinh được con trai” ở Afghanistan.
Ở đất nước trọng nam khinh nữ này, sinh con gái là một tội chết (ảnh minh hoạ)
Storay chỉ mới 22 tuổi, sau 4 năm lấy chồng, tháng 12 năm 2011, cô đã sinh hạ đứa con gái thứ ba. Từ ngày con dâu không sinh được cháu trai nối dõi, người mẹ chồng có tên là Wali Hazrata đã cùng con trai là Sher Mohamed âm mưu lên kế hoạch giết hại Storay. Bà Wali đã trói chân con dâu Storay để chồng của cô ra tay bóp cổ vợ cho đến chết. Người chồng máu lạnh sau đó đã bỏ trốn, còn bà mẹ chồng Wali thì đang bị cảnh sát bắt giam vì tội đồng lõa giết người.
Hàng xóm của Storay kể lại rằng, trong ngôi nhà đó, Storay sống không khác gì địa ngục, cô thường xuyên bị chồng đánh đập vì chưa sinh được con trai và nhiều lần cô khuyên nhủ chồng rút khỏi đội quân Taliban hung hãn.
Những ngày sau đó trong trại giam, bà mẹ chồng độc ác Wali một mực đổ tội rằng, Storay đã tự sát vì cảm thấy “ân hận” và “tội lỗi” vì đã không sinh được con trai. Vụ việc này khi đó đã gây xôn xao dư luận thế giới một thời gian dài.
Không lối thoát
Những bà mẹ như Gulnaz, Storay ở Afghanistan không hề hiếm. Họ vẫn đang phải hàng ngày chịu đựng cuộc sống tăm tối, tình trạng ngược đãi phụ nữ và cảnh “đàn ông đối xử với phụ nữ chẳng khác gì súc vật”.Dù chính phủ và các tổ chức nhân quyền đang cố gắng cải thiện cuộc sống phụ nữ nhưng con số các vụ ngược đãi được trình báo vẫn ngày một tăng lên.
Chiến dịch quân sự của phương Tây ở Afghanistan giảm bớt đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế không còn quan tâm đến cuộc sống của những bà mẹ khốn khổ này.
1 bình luận
You write so holentsy about this. Thanks for sharing!