Cách đây 30-40 năm, xã hội sẽ thấy bình thường khi những phụ nữ không chồng mà chửa bị cạo trọc đầu, bôi vôi, ném đá, bắt ra bìa rừng ở. Bây giờ, người ta sẽ thấy điều đó là man rợ.
- Những áp lực khi là bà mẹ đơn thân
- Một người phụ nữ đã ly dị: mạnh mẽ, dũng cảm?
- Bài học xương máu cho phụ nữ sau khi ly hôn
Gửi Duyên,
Trước hết chúc mừng bạn vì đã có đủ nghị lực, đủ thông minh và giỏi giang để nuôi dạy con một mình, và đảm bảo cho con một cuộc sống đầy đủ vật chất.
Mình đoán rằng bạn sinh ra trong một gia đình ‘bình thường’ theo quan niệm truyền thống, nghĩa là có bố và mẹ. Mình cũng đoán rằng bạn là người có năng lực và thông minh. Và vì vậy mình cũng lại đoán thêm rằng khi bạn quyết định nuôi con một mình, bạn đã tiên lượng trước những điều được và mất.
Mình không dám cho bạn một lời khuyên, vì mình không ở trong hoàn cảnh của bạn. Chỉ xin chia sẻ suy nghĩ của mình hy vọng giúp bạn có thêm một ý kiến để cân nhắc.
Có thể nói mình là người hạnh phúc. Ít nhất là theo các tiêu chí thông thường của xã hội. Chồng thành đạt, chăm sóc vợ con chu đáo. Con cái khỏe mạnh. Kinh tế tương đối khá giả. Trong gia đình ấy, mình hiểu con mình cần một người cha như thế nào, vì hầu như chúng đều hỏi ý kiến anh ấy trong những vấn đề hàng ngày của chúng như bạn bè, định hướng sau này…
Cho đến phút này, mình nghĩ mình là người may mắn (còn thành thật mình không dám chắc về sau ra sao). Và theo những gì mình nghe được và quan sát được thì số người phụ nữ Việt Nam may mắn như mình hình như chiếm số rất nhỏ.
Chồng giúp mình lấy lại niềm tin vào câu tục ngữ “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tuổi thơ của mình luôn phải chứng kiến những trận đòn mà bố dành cho mẹ mình. Nó hằn sâu vào ký ức, tới mức mãi đến tận bây giờ, cơn ác mộng duy nhất mà mình gặp đó là bố đánh mẹ mình, dù ông không còn làm vậy khoảng 7 năm trở lại đây.
Ông có công việc, nhưng mẹ mình chưa bao giờ biết đến tiền lương của ông. Việc chăm sóc con cái, lo liệu tài chính để đảm bảo cơm 3 bữa, tiền đóng học, quần áo đầy đủ cho các con, lo liệu cúng giỗ, thăm hỏi họ hàng… tất cả đều một tay mẹ mình lo liệu. Có lần mẹ mình bị tai nạn xe, phải nằm bệnh viện, bố mình rủa rằng mẹ mình ăn ở thất đức nên bị trời phạt. Mẹ nằm bệnh viện gần một tháng cách nhà chừng 20 km. Bố mình vào thăm mẹ mình được 1-2 lần. Chị mình là người nấu cơm và mang cơm vào cho mẹ.
Sau này khi mình đi làm một điều tra xã hội học, mình không ngạc nhiên khi có chừng 80% chị em chia sẻ rằng họ từng bị chồng đánh (có người còn chỉ cho mình cánh tay gẫy phải băng bó). Hầu hết đàn ông đều nói rằng họ thường dùng thu nhập kiếm được để mua rượu, tivi, xe máy…(những thứ mà phụ nữ không mấy khi sử dụng do không có thời gian, hoặc không biết cách dùng).
Trong khi đó hầu hết phụ nữ nói rằng thu nhập họ kiếm được đều sử dụng cho chi tiêu ăn uống của cả gia đình (chiếm phần lớn), tiền đóng học cho con, chi phí viện phí, thăm hỏi họ hàng… Nghiên cứu của mình tập trung ở vùng nghèo đói và nông thôn, và vì thế không đại diện cho mọi nơi ở Việt Nam. Nhưng nếu bạn nhìn các quán bia và các khu chợ chiều chiều… ở khu vực thành phố thì dường như phát hiện của nghiên cứu của mình cũng không phải quá xa với thực tế ở thành thị.
Gần đây mình có đọc một nghiên cứu của ĐH Melbourne về sự khác biệt giữa tâm sinh lý và sự phát triển năng lực trí tuệ và cảm xúc của trẻ em ở những gia đình có bố mẹ khác giới (truyền thống), so với trẻ em ở những gia đình có bố mẹ cùng giới (cùng là nam hoặc cùng là nữ). Kết quả của nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt, nếu không nói là trẻ em ở những gia đình có bố mẹ cùng giới cảm thấy hạnh phúc hơn. Vì “cha mẹ” họ hòa thuận hơn, hạnh phúc hơn. Và vì cha mẹ của những trẻ em này khi quyết định có con là một quyết định sâu sắc kỹ càng bởi họ phải xin con nuôi hoặc phải nhờ mang thai hộ.
Như vậy những trẻ em này là kết quả của việc có con theo lựa chọn (by choice), chứ không phải là kết quả của một sự cố (by chance). Kết quả này cũng không khác so với kết quả của nghiên cứu của đại học Cambridge về chủ đề tương tự. Và họ kết luận rằng chất lượng làm cha mẹ (parenting quality) quan trọng hơn là giới tính của cha mẹ. Mình chưa đọc một nghiên cứu tương tự đối với cha mẹ đơn thân (single parent).Khi viện dẫn những nghiên cứu trên, điều mình muốn đặt câu hỏi là “Liệu vai trò người cha có thực sự cần trong gia đình không?”, và nếu có thì cần ở vai trò gì? Có những bạn nói rằng rất cần. Người cha giúp đảm bảo kinh tế, giúp nâng đỡ tinh thần… ngoài việc đứng tên trên giấy khai sinh. Vậy thì có phải tất cả mọi người cha đều giúp về kinh tế, và làm chỗ dựa về tinh thần không? Câu chuyện của bản thân mình và rất nhiều (không phải tất cả) phụ nữ mình gặp thì dường như cho thấy câu trả lời là không.
Có điều xã hội vẫn bị gò theo cái khuôn phép định sẵn từ hàng nghìn năm. Trong cái khuôn phép ấy, phụ nữ bao giờ cũng ở phía đáng bị lên án. Nhưng khuôn phép là do con người định ra, và hoàn toàn có thể thay đổi.
Chỉ có điều sẽ mất nhiều thời gian, một vài năm có khi hàng chục năm để thay đổi. Cách đây 30-40 năm chẳng hạn, xã hội sẽ thấy bình thường khi những phụ nữ không chồng mà chửa bị cạo trọc đầu, bôi vôi, ném đá, bắt ra bìa rừng ở. Bây giờ, người ta sẽ thấy điều đó là man rợ. Hôm nay, xã hội cho rằng những phụ nữ tự nguyện làm single mom sẽ làm đảo lộn xã hội. Không biết 30-50 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ nghĩ gì? Chúc bạn có luôn giữ được nghị lực và sự sáng suốt để chọn con đường đi phù hợp nhất cho mình và cho con của bạn.
Theo vietbao
Bình luận bị đóng