Medonthan.net- Tôi biết chị qua một đám cưới bà con. Chị một nách ba con, đứa lớn đứa nhỏ cách nhau không bao nhiêu. Một lúc sau cũng có một thằng nhỏ, thay vì mặt nhỏ thon gọn, cậu này lại có gương mặt bầu bĩnh, da trắng, nó gọi: má hai ơi pha sữa cho gấu!
Qua câu chuyện của người này người kia, tôi lờ mờ hiểu ra thằng nhỏ đó là con ngoài gia thú của chồng chị và người đàn bà khác.
Thằng nhỏ nó cứ quấn lấy chị, ngoan ngoãn và nghe lời. Khi tôi hỏi nó: con thương ai nhất? _ Má hai. Con muốn ở với má hai không? – Dạ có! Con thương má hai lắm.
Rồi chị ẵm nó, ba nó đút cơm cho nó ăn, ai nhìn vào không biết tưởng đó là một gia đình hạnh phúc.
Nhưng phía xa xa kia, ba thằng con chị nhìn mà thèm. Tụi nó cũng thèm được ba yêu thương, quan tâm, nhưng tất cả sự quan tâm kia ba tụi nó đều giành cho đứa trẻ kia. Dù vậy, tụi nhỏ vẫn chơi rất thân với nhau. Thằng lớn nhất cũng không bao giờ kiếm chuyện với đứa anh em cùng cha khác mẹ.
Nói về người phụ nữ quyến rũ chồng chị. Tên thì nghe có vẻ dịu hiền, nhưng thật ra rất ghê gớm, ghen ngược lại và dùng mọi thủ đoạn không cho chồng chị về nhà: đứa bé là cái cớ giỏi nhất. Ban ngày ả để cho con qua ở với chị để chị tắm táp, cơm cháo, sữa chăm bẵm nó. Chiều tối ả lại gọi í ới kêu chồng chị chở con về rồi ở bển hẳn, ngày nào ả cũng vậy. Nhà có đám tiệc, ả kiếm đủ cách để về, nhưng không ai cho vô, ả cứ nghĩ đứa con là cái cớ có thể khiến nhà chồng chị đọng lòng, nhưng ả sai rồi, chị cũng sinh ra ba thằng con trai dễ thương.
Nhưng chị không có được trái tim người đàn ông phản bội. Cái giường rộng lớn bốn mẹ con ôm ấp nhau, cười nói, trong từng lời dạy con của chị thấm đẫm nước mắt. Lúc đầu chị cũng muốn giành, rồi tự hỏi lại mình phải giành cái gì đây? Ăn ở đến có con rồi, thêm đứa nữa cũng đã chào đời, chị giành giật cái gì nữa. Rồi chị buông xuôi, đợi chờ từng đồng trợ cấp của nhà chồng, nuôi dạy con ăn học. Nước mắt đắng cay, nuốt hết vào trong. Dù bây giờ chị có ngồi khóc, ủ rũ thì chẳng ai xót xa cho chị ngoài ba đứa con. Nhìn mẹ héo hắt từng ngày, tụi nhỏ cũng không vui vẻ như những đứa trẻ khác.
Ở nhà nhiều năm khiến chị ù lỳ, chậm chạp, ngại ra đời tiếp xúc người khác. Ai cũng hỏi: sao mày chịu được hay vậy? Gặp tao, tao đi mấy kiếp. Tôi cũng hỏi chị vậy. Chị rớt nước mắt: nhà đâu nữa mà về, ba má chị cũng nghèo lắm, ba đứa con tuổi ăn học, chị dắt tụi nó theo, ăn uống, học hành, chị lo sao hết, mình lớn mình nhịn được, tụi nhỏ đâu có nhịn thiếu thốn hoài được. Nghĩ rồi ngày này qua ngày kia chịu đựng cắn răng cho qua. Bây giờ, nhờ tiếp xúc người này người kia, khuyên chị đi làm, tập cho ba đứa nhỏ tự lập. Chị cũng bắt đầu tin rằng cần có 1 công việc, đó mới là sự bảo đảm chắc chắn nhất.

phụ nữ cần đi làm, tiền bao nhiêu không quan trọng, quan trọng cần một công việc, làm chủ tài chính của mình, nuôi được bản thân, đừng phụ thuộc vào ai cả.
Người đàn ông mà con chị gọi là cha, giờ không còn là chồng chị nữa, dù pháp lý có ràng buộc cũng không giúp chị thấy thoải mái hơn. Chị không giành giật, không lôi kéo, chị tạm hài lòng với sự lớn lên khỏe mạnh của con cái, chị có mái nhà để ở, tập tành đi học việc.
Cô giáo tôi nói: phụ nữ cần đi làm, tiền bao nhiêu không quan trọng, quan trọng cần một công việc, làm chủ tài chính của mình, nuôi được bản thân, đừng phụ thuộc vào ai cả.
Tin rằng nếu có cố gắng, vượt qua, nhìn nhận vấn đề lạc quan hơn chị sẽ có cuộc sống hạnh phúc thật sự với ba cậu con trai nhỏ./.
Trần Hương