Bị chồng bỏ rơi, chị Giàu một mình chăm sóc cho đứa con thơ dại. Có lúc chị tưởng như gục ngã bởi công việc vắt kiệt sức và những nỗi buồn của người phụ nữ đơn thân nuôi con. Vượt qua nỗi đau, chị Giàu trở thành “người truyền lửa” tiếp thêm sức mạnh cho những số phận éo le khác với dự án mang tên Hy vọng xanh.
- Quặn lòng với nghị lực của người mẹ đơn thân mang bệnh hiểm nghèo
- Vì là, tôi đã sống như một bà mẹ đơn thân
- “Mẹ đơn thân, mẹ hạnh phúc”
Giàu khát vọng
Ngôi nhà mang tên Hy vọng xanh do chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh năm 1983, quê Vĩnh Long; tạm trú quận 7, TP.HCM) khởi xướng thành lập vào giữa năm 2014 để cưu mang, chở che những bà mẹ trẻ gặp bất trắc trong chuyện tình yêu, hôn nhân. Trong ngôi nhà ấm cúng có gần 20 bà mẹ đơn thân cùng quây quần chia sẻ buồn vui.
Mỗi người dù mang thân phận, quê quán khác nhau nhưng có chung cảnh ngộ trái ngang. Họ từng bị người yêu, gia đình ruồng rẫy, xã hội coi thường. Những con người khốn khổ ấy đã gượng dậy tìm đến nương tựa vào nhau. Chị Giàu ngày trước cũng từng là mẹ đơn thân nên, thấu hiểu những nỗi vất vả mà người phụ nữ phải trải qua khi nuôi con một mình. Hơn ai hết chị đồng cảm với hoàn cảnh những bà mẹ bất hạnh và quyết tâm truyền cho họ ngọn lửa niềm tin mãnh liệt.
Chị thành lập ngôi nhà mang tên Hy vọng xanh để hiện thực hóa ý tưởng đầy tính nhân văn. Trò chuyện với chúng tôi về hành trình hiện thực ý tưởng đầy ắp tính nhân văn mang tên Hy vọng xanh, chị hồi tưởng về chuỗi ngày khó khăn nhất: “Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi ôm cô con gái chưa đầy 2 tuổi về quê nhà sinh sống. Nhưng, cuộc sống ở quê vất vả, tôi phải gửi con cho ba mẹ lên TP.HCM mưu sinh. Người mẹ trẻ như tôi chẳng biết bám víu vào đâu, chỉ cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để kiếm tiền gửi về nuôi con. Sống lủi thủi nơi phòng trọ tồi tàn, hằng đêm tôi gục đầu vào gối khóc nghẹn vì tủi thân và nhớ con. Tôi tự nhủ không bao giờ được phép gục ngã. Sau này khi đã ổn định cuộc sống, tôi hiểu ngoài xã hội có quá nhiều bà mẹ trẻ đang gặp bế tắc, phải có ai đó đứng ra giúp đỡ họ vượt lên nỗi đau”.
Với những đắng cay, tủi nhục đã trải qua, chị Giàu từng bước dấn thân vào hoạt động thiện nguyện. Người mẹ trẻ nhiều khát vọng tâm sự: “Ban đầu để nguôi ngoai vết thương lòng, tôi cố lao vào công tác từ thiện ở công ty. Tôi thường theo đoàn đi giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi, người già lang thang cơ nhỡ. Một lần, đoàn tình nguyện bất lực chứng kiến rất nhiều đứa trẻ rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” khi chủ nhà trước đây thu hồi đất phục vụ mục đích kinh doanh. Nhìn các cháu xanh xao, sợ sệt, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Sau đó, tôi bạo gan đề nghị tổ chức cho mình dẫn các cháu bé về ở chung trong phòng trọ chật hẹp, chấp nhận có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”.

Chị Giàu đang vui đùa cùng các cháu.
Chị nhớ lại: “Trong đầu tôi lúc đó chợt hiện ra ý tưởng phải thành lập một ngôi nhà kết nối các cô gái trẻ làm mẹ đơn thân”. Tháng 6/2014, dự án mang tên Hy vọng xanh chính thức ra đời. Chị Giàu sử dụng căn phòng trọ đang ở làm nơi tiếp nhận các bà mẹ đến đăng ký tham gia. Trải qua gần 2 năm thực hiện, có rất nhiều cô gái đã được giúp đỡ tạo cơ hội làm lại cuộc đời. Ngôi nhà mang tên Hy vọng xanh trở thành nơi cứu cánh cho những bà mẹ mang quá khứ lỗi lầm. Chị Giàu không chỉ cưu mang các bà mẹ mà còn là “thủ lĩnh tinh thần” truyền cho họ ngọn lửa niềm tin để đương đầu với mọi cơn giông tố.Lần đó, tấm lòng thiện nguyện của chị tác động mạnh vào suy nghĩ của một vị đại gia giàu có. Vị đại gia chi tiền túi thuê lại khu nhà trọ khác cho bọn trẻ tá túc. Trở về nhà, chị Giàu không thôi suy nghĩ về những cháu bé còi cọc, lem luốc, đói rách. Bản năng của người mẹ giúp chị hiểu, cuộc đời các cháu chỉ được cứu rỗi khi nhận về tình yêu thương thực sự và không tình cảm nào lớn hơn lòng bao dung từ người mẹ.
Biến nỗi đau thành sức mạnh
Trong ngôi nhà Hy vọng xanh hiện có gần 20 bà mẹ, đến từ nhiều miền quê khác nhau khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Người lớn tuổi nhất mới ngoài 30, người trẻ nhất đang ở độ mười tám, đôi mươi. Có bà mẹ vì không chịu được cảnh chồng vũ phu hành hạ, đánh đập bỏ nhà ra đi. Người khác lại bởi cha mẹ cấm cản chia lìa cuộc hôn nhân, buộc phải lựa chọn hoặc bỏ đứa con hoặc ra khỏi nhà. Nhưng cũng có người tuổi trẻ mù quáng trong tình yêu, bị nhân tình phụ bạc… Ê chề, nhục nhã những cô gái đó ôm con đi lang bạt khắp nơi tìm người đồng cảm.
Nhờ mạng xã hội facebook, chị Dung biết được dự án ngôi nhà hạnh phúc của người phụ nữ giàu nghị lực nên mạnh dạn tham gia. Theo thời gian, dự án ngôi nhà Hy vọng xanh trở thành điểm đến tin cậy cho những bà mẹ đơn thân tá túc trong những ngày tháng khó khăn. Thời điểm đông nhất, nhà chị Giàu đón khoảng 10 bà mẹ. Những lúc đó, mọi người lại cố gắng giúp đỡ nhau, người khỏe thì ăn ít một tí, nhường cho người yếu, bao bọc nhau qua những lúc kinh tế eo hẹp.Kể về cuộc đời tủi nhục tưởng như gục ngã của mình, chị Nguyễn Thị Dung (đã đổi tên, một người mẹ trong ngôi nhà) tâm sự: “Từ thuở bé, tôi và mẹ đã bị cha bỏ rơi đi theo người phụ nữ khác. Nhờ đức hy sinh lớn lao của mẹ, tôi được đến trường ăn học đầy đủ. Năm 20 tuổi, đang là sinh viên kế toán, tôi đã yêu người bạn cùng lớp. Nhà anh ta rất giàu nên cố tìm mọi cách cấm cản. Anh bảo yêu tôi, quyết định cùng tôi ra ngoài thuê trọ sống chung bất chấp việc cha mẹ cấm đoán. Ở với nhau một thời gian, tôi mang thai và sinh con. Khi con tôi gần 2 tuổi, mẹ già ở quê mắc chứng bệnh ung thư quái ác. Lúc này, trong bụng tôi có thêm cháu bé thứ hai. Anh ta biết chuyện, sợ không chịu nổi khổ cực lặng lẽ bỏ 3 mẹ con tôi ra đi. Tôi đau đớn tột cùng chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng rồi bản năng người mẹ không cho phép tôi gục ngã. Ngày đó, tôi sợ về quê sẽ bị người làng dị nghị chuyện con gái chưa chồng mà chửa đành chấp nhận cắn răng ở lại TP.HCM vật lộn với cuộc mưu sinh”.
Thu nhập của họ được gộp chung lại cộng với số tiền lương mỗi tháng của chị Giàu dùng làm quỹ chi tiêu. Không kể kẻ ít, người nhiều, mỗi đứa trẻ sinh ra nhận được tất cả tình yêu thương từ các bà mẹ khác. Từ tâm niệm “môi trường tốt mới nuôi được những ước mơ tốt”, chị Giàu luôn cố gắng cung cấp cho các bà mẹ đơn thân một môi trường sống đủ đầy để có thể sinh sống và nuôi dạy con mình. Và giờ đây, câu chuyện trong ngôi nhà Hy vọng xanh vẫn đang từng ngày được viết tiếp, lung linh như câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Chúng tôi rất hoan nghênh
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Võ Thị Mỹ Phương, Chủ tịch hội Phụ nữ phường Tân Phong (quận 7, TP.HCM) chia sẻ: “Về mô hình mái ấm mẹ đơn thân do chị Giàu tự mở, chúng tôi đã biết đến thông tin này và hoàn toàn hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi mong chị Giàu đến gặp lãnh đạo chính quyền, hoặc hội Phụ nữ để cùng được hỗ trợ giúp đỡ. Với mái ấm tạm lánh, chị em chỉ ở thời gian ngắn, nhưng nếu một số chị em khác muốn ở đó lâu dài mà xảy ra chuyện gì bất trắc, chắc chắn phía chính quyền cũng phải có trách nhiệm”.
Theo doisongphapluat
Bình luận bị đóng